Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Tục hau cắm của đồng bào Thái Quế Phong - Nghệ An



Xưa, cứ vào ngày 22 tháng 8 âm lịch hàng năm, khi lúa rẫy đã trổ, là thời điểm nông nhàn nên các gia đình tiến hành làm lễ hau cắm. Lễ được tiến hành trong 3 ngày, mọi người đều có những kiêng cữ nhất định như đàn ông thì không bắn súng, không đi quăng chài, không vào rừng... phụ nữ kiêng giã gạo, kiêng dệt vải và không đi lấy củi...


Hai ngày đầu thì phải làm lễ cúng ma nhà, tổ tiên, ngày thứ 3 làm lễ Thao Quan - cúng Pù xưa (thành hoàng làng), trời đất phù hộ cho mọi người sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nương rẫy không bị thú rừng phá hoại. Cách mạng Tháng 8 thành công, rồi sau đó từ ngày 2 tháng 9 năm 1969, sau khi Bác Hồ đi xa, đồng bào ở đây đã nhập 3 sự kiện trên làm một, gọi là tổ chức Tết độc lập.

Thông thường Tết độc lập được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 2 tháng 9, có vùng còn tổ chức đến mùng 3. Vào những ngày này bà con gác hết việc đồng áng, nương rẫy lại, con cháu đi học, công tác xa cũng trở về. Nhà nhà đều mổ lợn, gà, nhiều gia đình còn chung nhau mổ bò làm mâm cúng tổ tiên, trời đất, tưởng nhớ Bác Hồ, mừng ngày đất nước độc lập. Những vò rượu cần đã được chuẩn bị trước hàng tháng trời cũng được đem ra, mọi người đều đi thăm nhà nhau và chúc tụng, đánh chiêng trống, quành loong, múa, hát đối đáp. Các dòng họ lớn như họ Sầm, họ Lô.... thường tổ chức họp họ bàn các vấn đề như động viên con cháu tránh xa các tệ nạn xã hội, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm công tác khuyến học, những gia đình làm tốt thì được biểu dương, gia đình nào có con cháu vi phạm đều bị kiểm điểm nhắc nhở trước dòng họ.

Tuy không quy mô và kéo dài bằng tết Nguyên đán cổ truyền và tục kiêng cữ cũng không nhiều như ngày xưa nữa nhưng bên cạnh các lễ hội như xăng khan ki xá, cúng trâu ở Pú Pom, tục hau cắm của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quế Phong là một nét đẹp văn hóa đang được giữ gìn và phát triển...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét