Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Nhà sàn – Nét văn hoá riêng của người Thái Mường Lò (Yên Bái)


Đây là ngôi nhà đã gắn bó bao năm với gia đình chị Điêu Thị Xiêng, một người tâm huyết với phong trào của địa phương trong việc gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng người Thái đen vùng Mường Lò.


Về làm dâu và sinh sống tại bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ hơn nửa đời người, chị Xiêng đã từng chứng kiến biết bao sự đổi thay của bản mường, qua từng nếp nhà, con đường và cuộc sống của người Thái vùng Mường Lò.

Cộng đồng người Thái sống thành những bản, mường, ở những thung lũng. Cuộc sống hoà với thiên nhiên để tiện cho việc gieo cấy lúa nước, trồng lanh dệt vải nên ngôi nhà sàn của người Thái đặc trưng khác biệt với nhà ở của các dân tộc khác.

Từ xa xưa, trong nhận thức của người Thái là phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Vì thế, những ngôi nhà truyền thống ra đời gắn với đồng bào hàng ngàn năm, giúp họ tồn tại, phát triển. Để có được ngôi nhà sàn vừa ý, người Thái phải chọn những loại gỗ tốt làm khung nhà, mái lợp gianh. Nhà sàn thường cao hơn mặt đất chừng 2 mét, mặt sàn được lát bằng những cây bương, tre, vầu hoặc gỗ. Kiến trúc có vẻ đơn sơ nhưng lại rất chắc chắn. Có những ngôi nhà tồn tại tới hàng trăm năm tuổi.

Nhà sàn cổ của người Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, ngôi nhà khum khum tựa hình con rùa đứng. Theo truyền thuyết thì thần rùa đã dạy cho người Thái cách làm nhà như hình rùa đứng để tránh được lũ lụt và thú dữ. Hình ảnh khau cút là hai thanh gỗ bắt chéo nhau theo hình chữ X trên đầu hồi nhà là biểu tượng của sừng trâu, loài linh trưởng gắn bó với cuộc sống trồng cấy lúa nước và truyền thuyết khai thiên lập địa của người Thái đen Mường Lò.

Ở gian giữa nhà là bếp lửa, bếp lửa vừa để giữ ấm cho gia đình khi mùa đông giá rét, vừa để đun nấu phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhà sàn đặc trưng của người Thái đen thường có hai cầu thang, đặt hai bên lên xuống khác nhau, cầu thang 7 bậc tượng trưng cho 7 vía của người đàn ông còn cầu thang 9 bậc tượng trưng cho 9 vía của người phụ nữ. Sở dĩ có hai cầu thang là vì trước kia Người thái thường có tục lệ bắt con trai ở rể, trong suốt thời gian ở rể, người con trai chỉ được phép đi bên cầu thang có 7 bậc, người phụ nữ cũng vậy họ cũng chỉ được đi bên cầu thang có 9 bậc.

Người thái thường chung sống rất hoà thuận đầm ấm, một gia đình người Thái thường có 3 thế hệ chung sống. Vào những ngày vui, lễ tết, hội hè hoặc có khách quý, mọi người cùng nhau uống rượu, múa xoè và khắp với nhau.

Ngày nay, để thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng được quy hoạch lại cho phù hợp với không gian mới. Ngôi nhà của người Thái đang dần thay đổi với những nguyên liệu mới, để phù hợp với kiến trúc hiện đại đảm bảo sinh thái và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Nhà sàn của người Thái biểu trưng tình cảm, lối sống của một tộc người, nhà sàn được xem như một bảo tàng nghệ thuật sống của người Thái Mường Lò, là ngôi nhà thân thương đã hun đúc lên tinh thần một tộc người, là nơi gửi gắm niềm tin của con người với các thần linh, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét