Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Lễ đặt tên - Thổi tai của người Êđê (Đắk Lắk)

“Lễ đặt tên - thổi tai là lễ thức phải có trong nghi lễ vòng đời của người dân tộc Êđê. Lễ được tổ chức đơn giản nhưng quan trọng trong phạm vi gia đình, dòng tộc. ở buôn chúng tôi lễ đặt tên - thổi tai và lễ cúng cầu sức khỏe là những nghi lễ truyền thống còn được gìn giữ trong cộng đồng Êđê".


Các lễ vật gồm: Một chén rượu, một con gà trống (con trai cúng gà trống, con gái cúng gà mái), một quả cà đắng, một củ nén, một lá ổi rừng (nếu không có lá ổi thì dùng lá bằng lăng), một chén bằng đồng (đựng nước sương hứng từ trước). Con anh chị là cháu trai nên có thêm một cái dùi, một cái đục, một con dao gọt.

Người đỡ là bà HDiết Mlô, 68 tuổi, là người làm lễ đặt tên - thổi tai cho cháu bé (theo phong tục của người ê đê, lễ này không đánh chiêng). Lễ đặt tên được làm trước. Bà đỡ đặt các lễ vật trong cái thúng bên cạnh cháu bé và cầu nguyện: "Nay ta đặt tên cho cháu, nếu cháu ưng tên ta đặt thì cháu hết khóc và ngủ thật ngon. Nếu không thích tên này, cháu hãy khóc thật to". Sau đó, bà đọc tên từng người trong dòng tộc đã quá cố. Khi bà đọc đến tên Y Kương, cháu ngừng khóc và tên đó đã được dùng đặt tên cho cháu bé.

Sau khi đọc tên xong, bà HDiết Mlô lấy một chút gan gà cho cháu bé ăn, lấy lá ổi nhúng nước sương trong chén đồng bôi lên miệng cháu bé. Bà cầu nguyện: "Này cháu, ta cho cháu ăn gan này để sau này cháu gan dạ, uống nước để khi gặp sương gió dãi dầu không quản vất vả, mệt nhọc cháu nhé! ". Rồi bà lấy nước sương bôi lên tay chân cháu bé và nói: "Này cháu, ta bôi nước sương lên tay chân cháu, mong cháu siêng năng, chăm chỉ, bất kể ngày đêm, mưa nắng cũng không sợ". Tiếp đến là lễ thổi tai: Bà HDiết MLô cầm một củ gừng, một củ nén (có nơi dùng ống nứa), thổi vào hai lỗ tai của cháu bé và cầu nguyện: "Này ta thổi gừng này, nén này vào hai lỗ tai cháu, để tai cháu được thính, mắt cháu được sáng như sao Mai và phải ngoan ngoãn vâng lời ama, amĩ". Bà cầm cái dùi, cái đục, con dao lên cầu nguyện: "Này ta cầu mong cho cháu sau này lớn lên có đôi bàn tay khéo léo biết rèn, biết đan gùi, rổ, rá để dùng".

Cuối cùng bà lấy một sợi chỉ đen cột vào tay cháu bé để chứng tỏ cháu bé đã được làm lễ đặt tên - thổi tai và thật sự có tên từ bây giờ.

Hiện nay ở buôn Ko Tam nói riêng và xã Êu Tu nói chung, cùng với việc duy trì lễ đặt tên - thổi tai, lễ cúng cầu sức khỏe, một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê đã và đang từng bước được phục hồi như lễ cúng bến nước, lễ kết nghĩa anh em…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét