Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Đặc sắc nhạc cụ dân tộc Mông (Tuyên Quang)




Trong đời sống văn hoá tinh thần của người Mông không thể thiếu các nhạc cụ dân tộc tiêu biểu: Khèn, đàn môi, kèn lá, sáo, ống hát.


Ông Giàng Văn Lai, dân tộc Mông ở thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) cho biết, người Mông là nam giới khi đến 13 tuổi phải tập thổi khèn. Để làm được chiếc khèn chuẩn không phải ai cũng biết làm. Ống khèn Mông thường được làm từ cây trúc và thân khèn là gỗ pơ mu. Ống trúc lớn nhất và ngắn nhất để giữ nhịp, các ống trúc nhỏ còn lại theo kích thước to nhỏ mà có âm thanh trầm bổng, cao thấp khác nhau. Khèn Mông không có nốt nhạc nên người học phải cảm nhận bằng đôi tai. Người dân tộc khác nghe khèn Mông thấy nó kêu hay, còn người Mông hiểu tiếng khèn nói gì. Bởi tiếng khèn Mông thường gắn với các làn điệu dân ca Mông. Đối với từng ngành Mông, cấu tạo khèn Mông có khác nhau chút ít, song nó thể hiện được sự dặt dìu, cuồng nhiệt, pha chút hoang dã.

Trong đời sống hàng ngày, lúc vui hay buồn người Mông đều mang khèn ra thổi. Người Mông thường thổi khèn khi xuống chợ, khi đi tìm hiểu người yêu và trong các lễ hội. Anh Sùng Seo Vần - Bí thư chi đoàn thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết tâm sự, học thổi khèn Mông rất khó, người giỏi thổi tới bảy ngày bảy đêm không hết bài. Khi thổi phải kết hợp các vũ điệu như đan chân, nhẩy giật lùi, nhào lộn, vặn người. Có người thổi khèn múa điệu say rượu, có người múa điệu ngựa phi, có người đi các đường võ. Tuy không hiểu người Mông muốn nói gì trong điệu khèn, nhưng người nghe, người xem khó tính nhất cũng bị tiếng khèn chinh phục bởi tiết tấu âm thanh dễ đi vào lòng người các vũ điệu múa khèn rất điêu luyện.


Ngoài cây khèn tiêu biểu, người Mông còn nhiều nhạc cụ độc đáo. Ông Trẩn Tờ Mậu, thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện (Yên Sơn) chọn xé một cái lá trên cây rồi bảo, đàn ông Mông có cây khèn, người phụ nữ Mông có khèn lá. Khèn lá dễ thổi, muốn âm thanh kêu hay phải chọn được lá tốt. Người phụ nữ Mông thổi khèn theo các làn điệu dân ca Mông, thường đáp lời cho tiếng tỏ tình bằng khèn của người đàn ông Mông.


Người Mông còn có các loại sáo đơn lưỡi gà. Âm thanh của sáo Mông rất độc đáo, trong trẻo, êm ái thâm sâu vào lòng người. Sáo Mông có nhiều loại, sáo dọc, sáo tiêu, sáo ngang, sáo gọi chim. Trong dân gian, sáo Mông là nhạc cụ của các chàng trai. Đàn ông Mông thường mang theo sáo như một người bạn đường, trong khi lao động và công cụ đắc lực trong việc chinh phục trái tim các cô gái. Tiếng sáo say đắm gọi người yêu và thổ lộ tâm tình cùng nàng trong những đêm trăng sáng trên các triền núi cao. Cùng với cây sáo, người Mông còn có đàn môi, dùng để tỏ tình giao duyên. Đàn môi được làm từ một mảnh lá đồng hình lá lúa, khi gảy lưỡi gà có độ rung. Khoang miệng của người thổi chính là bầu cộng hưởng phát ra tiếng to nhỏ, thanh trầm, luyến láy theo ý muốn của người chơi. Âm sắc của đàn môi phỏng theo các làn điệu dân ca Mông, tạo ra ngôn ngữ âm nhạc đặc trưng của người Mông. Ông Trẩn Tờ Mậu, thôn NgòiNghìn, xã Đạo Viện còn giới thiệu một loại nhạc cụ độc đáo nữa của người Mông là ống hát. Ống hát được làm từ ống tre mai, vầu dài khoảng 20 cm, đường kính 10 cm. Ống hát một đầu để hở, một đầu được bịt bằng bong bóng bò, có một sợi chỉ lanh chạy xuyên qua hai ống hát để nối với nhau có tác dụng truyền âm. Hai ống hát thường để cách nhau 10-20 m, một đầu hát và một đầu để nghe. Hát ống là một hình thức sinh hoạt văn nghệ tập thể thường diễn ra ở các lễ hội, phiên chợ đông người ngoài bãi chơi.

Hàng năm, trong các ngày lễ, dịp liên hoan, giao lưu văn hoá các dân tộc, người Mông ở các địa phương thường dùng các nhạc cụ của dân tộc mình để biểu diễn. Các nhạc cụ này, cùng với các làn điệu dân ca Mông góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét