Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Lễ hội đập trống của người Ma Coong (Quảng Bình)

Đúng vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm, đêm trăng tròn và sáng nhất, người Ma Coong thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình giữa đại ngàn Trường Sơn tưng bừng với ngày hội dân gian đặc sắc của mình: "Lễ hội đập trống".

Ngược dòng truyền thuyết...

Theo truyền thuyết, từ xa xưa ở làng bản của người Ma Coong xuất hiện một con khỉ già. Trong tay khỉ già có một cái trống thần. Vào mùa thu hoạch, khỉ già đánh trống, bao nhiêu lúa, ngô, của cải dân bản đều chạy về nhà của con khỉ này. Đời sống người Ma Coong vì thế triền miên đói khổ.

Chủ đất người Ma Coong nghĩ kế, bàn mưu... Chọn đúng tối 16 tháng giêng, trăng sáng vằng vặc, khi khỉ già ngủ say như chết, chủ làng sai người bí mật vào hang đá, lấy trộm trống thần mang về, đốt lửa, lập bàn thờ cúng Giàng và nổi trống. Của cải, lúa ngô lại từ nơi khỉ già chạy về với dân bản người Ma Coong. Từ đó, không có cái ăn, khỉ già trốn biệt vào rừng và chết.

Có một tích khác thì cho rằng, ngày xưa vùng đất của người Ma Coong bỗng dưng xuất hiện một con khỉ thần, lông màu vàng, hàng đêm thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô lúa. Từ khi khỉ thần xuất hiện người Ma Coong liên tục mất mùa, đau ốm và chết. Dân làng quyết tâm phải đuổi con khỉ thần này đi. Một hôm, khỉ thần tìm đến bản, bà con đã khua trống đánh chiêng đuổi, tiếng trống tiếng chiêng của cộng đồng người Ma Coong cùng với sự giúp đỡ của Giàng, đã xua con khỉ thần rời xa vùng đất này. Và từ đó, người Ma Coong làm ăn được mùa, không còn đau ốm nữa. Lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ khi đó.

Ma Coong - rộn vang tiếng trống lễ hội...

Từ TP Đồng Hới (Quảng Bình) lên Ma Coong, bạn phải mất hơn nửa ngày vượt qua những cung đường rừng nguyên sơ với chập chùng núi cao, đá dựng. Người Ma Coong thuộc nhóm dân tộc Bru-Vân Kiều. Một số người Ma Coong đến với lễ hội đã phải đi từ lúc gà vừa gáy sáng. Họ vượt qua hàng chục cây số đường rừng trên đôi chân trần cóng lạnh. Có người ở mãi bên đất bạn Lào đã lội bộ suốt cả ngày trời để đến kịp giờ hành lễ. Đặc biệt với lớp gái trai đến tuổi trưởng thành, đây là dịp làm quen, hò hẹn, tìm bạn tình, rồi sau đó kết duyên thành vợ, thành chồng.

Bản Cà Roòng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là nơi tập trung sinh sống của nhiều người Ma Coong. Người Ma Coong hiện có 287 hộ, 1.552 khẩu, cư trú thành từng bản làng nhỏ.

Chiều trước khi diễn ra lễ hội, nhóm trai tráng trong bản khuân chiếc trống cũ ra giữa sân. Công việc chuẩn bị cho lễ hội bắt đầu. Những sợi mây rừng được cho vào những chiếc nồi đồng. Bếp lửa hừng hực. Tấm da trâu được phơi khô, cất và bảo quản kỹ, thận trọng, nâng niu mang ra để gần tang trống. Công đoạn làm mặt trống được già làng giám sát và hướng dẫn một cách tỉ mỉ. Từng tí, từng tí một, những sợi mây được luộc chín, tỉ mẩn luồn vào tấm da trâu mải miết. Khoảng ba giờ miệt mài như thế, mặt trống được căng đều. Già làng thẩm âm bằng một hồi đánh khẽ...

Tang trống phải được làm từ gỗ cây chicúp (một loại cây rỗng ruột), được giữ gìn năm này sang năm khác. Còn da trâu phải chọn từ trâu khỏe, được nuôi từ hai đến ba năm và được căng vào tang trống vào đúng ngày lễ hội.

Mâm cỗ cúng Giàng rất đơn giản, gồm có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác. Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế. Trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản. Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm, đây là khúc ngăn của con suối Aky.

Trăng 16 đã lấp ló đầu non. Đồ cúng tế và trống thiêng đã ngự trên đài tế. Đêm của đất trời bao dung. Chỉ có ánh trăng 16 kia chứng kiến bao điều... Một chiếc dùi trống "gia bảo" làm từ gốc cây mây, già làng cầm chắc và mặt trống rung lên một hồi dài. Cả ngàn người và núi rừng như vỡ òa trong tiếng trống mở đầu ấy. Tiếng reo hò dậy núi. Tiếng hú, hét đập vào vách đá rền vang như sấm. Từng tốp nam phụ lão ấu, trai thanh nữ tú, miền xuôi, miền núi, các tộc người, lúc này đây, không phân biệt là Kinh hay Rục, là Mày hay A rem, là Ma Coong hay Khùa... Tất cả quyện vào nhau, vai khoác vai cùng vung dùi đánh trống. Mặt trống rung lên bần bật, không ngừng, không nghỉ. Tiếng chiêng, tiếng thanh la và bao loại âm thanh cộng hưởng dậy trời, rung đất.

Hàng trăm người chờ đến lượt vào đánh trống luôn vít cong cần rượu. Rượu cần chảy ngọt, mềm môi. Rượu cần bao lần thay ché. Đống lửa cũng bao lần thêm củi. Đến khi tất cả đã mệt nhoài và tiếng trống cũng đã phải nhòe đi cùng sương núi...

Mối duyên tình giữa đại ngàn Trường Sơn...

Mặt trống rung lên bần bật. Cả ngàn con mắt đổ dồn về phía mặt trống. Rồi bất ngờ một tiếng bụp. Mặt trống vỡ. Cả ngàn con người đang nôn nao chờ phút giây trống vỡ đứng chết lặng. Không gian đang náo nhiệt đột ngột lặng phắt. Trống vỡ. Chỉ chốc lát, khu vực lễ hội vắng thưa người. Trai gái đã dắt tay nhau mất hút. Trên mảnh sân rộng, nơi hàng trăm con người đang náo nhiệt đấy, chợt vắng tanh...

Ánh trăng núi rừng đã quá đỉnh đầu, âm thanh tiếng trống, tiếng chiêng càng giục giã, sôi động thì đúng lúc ấy các đôi bạn tình lại tìm đến nhau hò hẹn bên dòng suối Aky.

Đêm nay là đêm dành riêng cho những người chưa có vợ và những người mất vợ lại có vợ. Rồi từng đôi, từng đôi lặng lẽ nắm tay nhau đi. Họ đi xuyên qua bóng tối, đến những gốc cây, hốc đá, đến bên những cành cây nghiêng ra con suối để tình tự. Đêm nay chỉ có họ mới được biết với nhau. Những "người của ngày xưa" chưa đến được với nhau thì sẽ tìm nhau. Những người đang yêu nhau đợi lễ hội này để đốt cháy tình yêu...

Mỗi năm chỉ có một ngày, ngày của núi rừng, của những câu chuyện tình dài như con suối. Đêm nay không có ghen tuông, không có giận hờn, chỉ có yêu thương nồng nàn của đam mê, của men nồng đôi lứa... chỉ có núi rừng chứng giám, cho đến sáng mai, khi gà rừng đã thức dậy gáy vang trời thì họ mới bịn rịn rời nhau trở về.

Những người trẻ hơn thì cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến nhà cô gái đặt lễ trầu cau...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét