Lạc hậu lùi xa
Đám cưới người Dao ở Ba Vì hiện được tổ chức đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn giữ được những nét đặc sắc. Ảnh: Bá Hoạt |
Ông Triệu Tiến Nhàn, cán bộ văn hóa xã Ba Vì cho biết: Xã Ba Vì có 342 hộ thì có tới 335 hộ là người Dao, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng sắn và trồng măng bương u. Trước đây, người Dao lo chuyện dựng vợ, gả chồng cho con còn hơn lo cho con ăn, học. Đã thế, gia đình nào ít cũng có 3-4 người con, nhiều thì cả chục. Trẻ ăn sắn, ăn rau rừng mà sống, rồi lại bám đất, bám rừng. cùng cha mẹ góp nhặt lo việc dựng vợ, gả chồng sau này. Chẳng mấy ai quan tâm đến cái chữ bởi phải có bạc nén, lợn gà đầy sân, gạo đầy chum mới lấy được vợ. Vì thế, tỷ lệ người mù chữ của xã trước những năm 90 của thế kỷ XX chiếm tới 30% và chỉ có khoảng 10% học đến bậc trung học. Trong cái vòng luẩn quẩn đẻ nhiều, đói nghèo, mù chữ, chuyện cưới xin của người Dao vẫn nặng hủ tục. Con gái 13- 14 tuổi, con trai 15-16 tuổi là cha mẹ đã tính chuyện dựng vợ, gả chồng, ướm người phù hợp với con mình. Hai bên gia đình đồng ý "về nguyên tắc" thì nhà trai mời thầy cúng về xem tuổi, rồi quyết định cưới hay không.
Trong lễ cưới, nhà trai phải sắm lễ, thường là 2 đồng bạc nén, 30-50kg thịt gà, lợn, 30-40kg gạo, trầu cau… lại cử vài chục người sang nhà gái làm cỗ mời nhà gái và dân làng ăn suốt 2, 3 ngày. Nhà trai nhờ người uy tín trong họ sang bên nhà gái suốt những ngày cưới, làm nhiệm vụ "giữ hòa khí" bởi nếu làm nhà gái phật ý thì nhà trai không được đưa dâu về. Vì vậy mới có chuyện trai nhà nghèo thường phải đến nhà gái ở rể và khá nhiều rắc rối đã xảy ra quanh cái sự ăn ở bất đắc dĩ này.
Văn minh đến
Ông Triệu Phú Đức, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho rằng muốn thoát nghèo thì phải loại bỏ hủ tục. Vì thế, khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động, xã đã xây dựng quy ước làng văn hóa, trong đó đề cao tiêu chí xây dựng nếp sống văn minh. Ông Đức cho biết thêm, khi "luật làng" mới đi vào cuộc sống, cùng với việc tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho nhân dân, cán bộ các ngành, đoàn thể xã đã gương mẫu thực hiện để người dân làm theo. Nhờ đó, từ năm 1998 đến nay, những hủ tục trên dần được xóa bỏ, lễ cưới của người Dao được tổ chức đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn giữ được những nét đặc sắc.
Nhà trai sắm lễ cưới đến nhà gái to hay nhỏ tùy vào điều kiện kinh tế, thường là vài cân thịt lợn, vài con gà và chừng 10kg gạo. Nhiều nhà mang thêm 120 cặp bánh rán và cử một số người sang nhà gái làm cỗ. Bánh làm bằng gạo nếp, nhân đỗ xanh, do chính người nhà làm ra, tượng trưng cho sự tôn trọng truyền thống, lễ nghĩa. Bánh được nặn thành hình tròn, tượng trưng cho sự thuận hòa; con số 120 thể hiện sự có đôi, người dự đám cưới ăn bánh rán để chúc cô dâu, chú rể trọn đời hạnh phúc bên nhau, thọ đến 120 tuổi. Người của họ nhà trai sang nhà gái làm giúp thể hiện sự chia sẻ nỗi vất vả của nhà gái trong việc nuôi dưỡng con suốt bấy nhiêu năm. Những lễ nghi đó thể hiện nét đẹp truyền thống văn hóa.
Đám cưới đời sống mới của đồng bào người Dao giúp tiết kiệm tối đa cho các gia đình. Nếu như chi phí cho một đám cưới của người Kinh ở các xã đồng bằng hiện nay, đơn giản cũng phải từ 20 triệu đồng trở lên thì chi phí trung bình cho một đám cưới người Dao chỉ mất từ 8 đến 12 triệu đồng. Ngày cưới của đôi uyên ương thực sự là ngày hội của hai họ, xóm làng. Anh em họ hàng, làng xóm đến chia vui, chúc mừng là chính, ăn uống chỉ là phụ. Việc ăn uống tổ chức gọn trong ngày chứ không kéo dài ngày như trước. Ngày cưới, cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao, vừa tiết kiệm tiền mua sắm giữ được bản sắc dân tộc.
Mỗi năm, xã Ba Vì có 20-30 cặp đăng ký kết hôn. Với cách thức tổ chức đám cưới đơn giản và tiết kiệm như trên, đồng bào người Dao ở xã Ba Vì không chỉ giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc mình mà còn góp phần mang văn minh, tiến bộ đến xã vùng cao ở huyện nghèo Ba Vì. Ông Triệu Phú Đức tự hào cho biết: "Xã tôi giờ đã có hơn 20 cháu học cao đẳng, đại học và 100% số trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường".
Theo báo Hà Nội mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét