Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Nét văn hóa độc đáo của dân tộc La Chí (Lào Cai)


Người La Chí có dân số tương đối ít, cư trú chủ yếu ở 2 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang) và 3 huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai). Đây là dân tộc có tính đoàn kết cộng đồng cao và vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc.


Huyện Bắc Hà, người La Chí cư trú tập trung tại xã Nậm Khánh với 47 hộ, sống rải rác ở 4 thôn: Nậm Khánh, Nậm Tồn, Mào Phố và Nậm Táng (trong đó, Nậm Táng là thôn tập trung đông nhất với 16 hộ). Người La Chí ở đây có nguồn gốc từ huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang di cư về khai hoang, lập nghiệp từ cuối năm 1975. Bản Nậm Táng nằm cách trung tâm xã Nậm Khánh hơn 6 km, đường xa, đi lại rất khó khăn. Những ngày mưa, phải đi bộ mới xuống được thôn.

Ông Vương A Nú, 74 tuổi, già làng uy tín nhất ở bản Nậm Táng kể cho chúng tôi nghe về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Người La Chí ở nhà sàn, nhưng có một nhà đất liền kề để làm bếp và chứa đồ đạc. Nhà sàn làm bằng gỗ, vách nứa, cửa được làm bằng gỗ hoặc tre, luôn mở theo hướng Đông Nam. Trong nhà sàn có một cầu thang lên xuống ở đầu hồi gần nhà bếp, còn dưới gầm nhà sàn để đồ đạc. Những gia đình khá giả, có nhiều thóc thì làm thêm một nhà hộp bằng gỗ để đựng thóc. Người La Chí đặt bàn thờ tổ tiên tại vách tiền, đối diện bếp của ngôi nhà. Đồng bào thờ 3 đời (cha, ông, cụ) đối với tổ tiên nam và 2 đời (mẹ, bà) đối với tổ tiên nữ. Trâu là con vật tượng trưng được người La Chí thờ cúng bởi thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, gắn bó nghề nông. Văn hóa lễ hội của người La Chí đậm đà bản sắc truyền thống và thể hiện tính đoàn kết cao.

Giống như nhiều dân tộc khác, người La Chí cũng ăn Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, rằm tháng 3, Lễ Cơm mới, Lễ đưa hồn lúa về nhà sau mùa thu hoạch được tổ chức vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch. Đặc biệt, rằm tháng 7 là tết được người La Chí tổ chức to nhất. Đồng bào quan niệm đây là dịp để "cúng mừng việc cấy xong và xin tổ tiên bảo vệ ruộng, nương". Vào dịp này, mâm cúng và các hoạt động văn hóa - thể thao dân tộc được tổ chức tưng bừng. Cỗ cúng trong ngày rằm gồm: xôi, thịt gà, thịt lợn, ngan hoặc vịt. Các hoạt động thường được tổ chức là: hát giao duyên, chơi đánh bộ binh, đánh quay, đu quay, ném còn... tại nhà già làng có uy tín nhất.

Người phụ nữ La Chí rất chăm chỉ, đảm đang. Ai cũng biết dệt vải, nhuộm chàm, may vá. Nhà nào cũng dành một mảnh đất tốt nhất để trồng cây bông làm nguyên liệu dệt vải. Để làm xong một bộ trang phục truyền thống có khi mất cả năm vì người phụ nữ chỉ tranh thủ làm vào buổi tối. Trang phục của người La Chí được nhuộm chàm đen, không cầu kỳ. Đàn ông mặc áo 5 thân dài tới ngang bắp chân, quần lá tọa, đầu quấn khăn, cũng đeo vòng tay. Phụ nữ mặc áo dài tứ thân, có dây thắt lưng, yếm, đội khăn dài, đeo vòng tay, vòng tai làm bằng bạc. Người phụ nữ La Chí có cách mang đồ rất đặc biệt, những chiếc túi được đeo quai vắt ngang qua trán. Hiện nay, người La Chí luôn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, bài trừ các hủ tục. Khi sinh con, bà con không đưa sản phụ vào rừng sâu để ở như trước kia nữa. Chính sách dân số được người dân thực hiện khá tốt, các cặp vợ chồng trẻ chỉ sinh 1 đến 2 con; đám ma, đám cưới được tổ chức nhanh gọn. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người La Chí đã đổi thay, bà con được dùng nước sạch sinh hoạt. Một số hộ đã có máy thủy điện nhỏ, ti vi... Con em được đến trường học chữ, nhiều người đã trưởng thành.

Vượt lên khó khăn, người La Chí đoàn kết, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét