Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Người Mông (Hà Giang) với tục kéo vợ



Mỗi độ xuân về, khi cành đào tung hoa, cây ngô trổ mầm, những phiên chợ rộn ràng người mua bán, cũng là lúc thanh niên nam nữ người Mông có cơ hội tìm hiểu nhau. Đó chính là tục"Kéo vợ" - một nét văn hóa riêng, độc đáo của người Mông huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang.


Khi đôi trai gái đã ưng ý và thề nguyền đi đến hôn nhân thì họ sẽ về báo cáo với bố mẹ và dòng họ. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì nhà trai sẽ tiến hành mời ông mối sang nhà gái đánh tiếng dạm hỏi, rồi tiến tới lễ ăn hỏi (hẹn cưới) và cuối cùng là lễ cưới ( đón dâu). Đám cưới của người Mông thường được tổ chức linh đình vào mùa xuân bởi người ta cho rằng mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở mà con người không nằm ngoài quy luật đó của tạo hóa. Người ta rất kiêng làm đám cưới vào những tháng có sấm sét (mùa hạ).

Trong thực tế có rất nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại không được một hoặc cả hai bên cha mẹ đồng ý (chủ yếu là cha mẹ người con gái). Khi cha mẹ đã không đồng ý mà đôi trái gái khác tự tìm đến sống với nhau thì không những bị coi là bất hiếu mà cuộc hôn nhân đó còn không được cộng đồng chấp nhận. Thế nên tục “kéo vợ” có thể được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Đôi trai gái đó sẽ nhờ cậy những ông chú, bà thím, bà cô, ông cậu, anh em, bạn bè... làm nội ứng, thống nhất kế hoạch “kéo dâu”, hợp lý hoá cuộc hôn nhân. Mọi chuyện được tính toán trong bí mật, gia đình nhà gái không hề hay biết, cô gái vẫn ngày ngày đi nương, lấy củi, địu nước như thường. Rồi một ngày như đã hẹn... chàng trai xuất hiện. Hai người đang tâm sự thì bạn bè của chàng trai xuất hiện và giúp chàng trai kéo cô gái về nhà mình. Cô gái dù biết trước mọi chuyện vẫn cảm thấy bất ngờ, kêu toáng lên. Không những thế cô gái phải giả vờ kêu cứu, khóc lóc để mọi người nhà mình biết đến cứu. Người ta cho rằng người con gái bị kéo về làm vợ mà không khóc lóc, kêu la thì đó là đồ con gái rẻ rúng và hư hỏng, bị gia đình và làng xóm coi khinh. Khi người nhà gái mang gậy gộc đến cứu cô gái thì các bạn của chàng trai sẽ xông ra đỡ đòn (theo luật lệ của người Mông là đã đi “kéo vợ” thì nhà trai không được phép đánh lại nhà gái) để chàng trai mang cô gái về nhà.

Sau khi gia đình chàng trai mang gà ra làm lễ quét phép, cô gái mới được đưa vào nhà. Người Mông quan niệm: con gái đã bị người ta dùng gà trống làm lễ nhập nhà rồi thì có bỏ về bố mẹ đẻ cũng không thể chấp nhận được vì cô ta đã trở thành người của nhà khác, khi chết cũng là ma nhà khác rồi. Chính vì vậy, khi biết con gái mình đã bị người ta kéo về làm vợ thì dù có không đồng ý, có ấm ức thì đa phần nhà gái cũng đành đồng ý. Tuy nhiên, nếu cứ theo thủ tục thông thường thì khi đi ăn hỏi, hai bên có thể thỏa thuận về khoản lễ cưới nhưng nếu nhà trai dùng tục “kéo vợ” thì nhà gái sẽ ít khi thông cảm và thường phạt bằng cách đòi lễ cao hơn bình thường.

Khi đã chấp nhận dùng tục “kéo vợ” thì nhà trai phải xác định ngay là sẽ bị nhà gái phạt. Và khi nhà gái đòi bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu để tránh sự chê cười của làng xóm. Chính vì những lệ này mà không phải gia đình nào cũng có thể dùng tục “kéo vợ” cho con trai. Những gia đình muốn dùng tục “kéo vợ” thường phải là những gia đình, dòng họ tương đối khá giả thì mới có thể đáp ứng nhu cầu khi nhà gái phạt. Bởi có không ít gia đình phải mất vài ba năm mới có thể trả hết lệ phạt mà nhà gái đặt ra.

Ngày nay, cũng như nhiều dân tộc khác, người Mông luôn trọng chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và quan niệm cái đẹp lứa đôi là khỏe mạnh, đạo đức và chăm chỉ. Hôn nhân là kết quả của tình yêu tự nguyện, các cuộc “kéo vợ” giờ đây chỉ là sự khẳng định cho tình yêu mãnh liệt, khát vọng về một gia đình hạnh phúc của trai gái người Mông mà thôi.

Có thể nói, người Mông có rất nhiều tục lệ với những ràng buộc khắt khe, song bên trong đó đều chứa đựng các yếu tố nhân văn rất tình người, được xử lý linh hoạt trên cơ sở đoàn kết yêu thương. Nó chính là nhân lõi để giữ gìn sự gắn bó của cộng đồng và bảo lưu các giá trị văn hóa của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét