Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Trang phục truyền thống của người phụ nữ Lự

Người phụ nữ Lự trong trang phục truyền thống

Dân tộc Lự ở Việt Nam có 4.964 người, cư trú chủ yếu ở 2 huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Người Lự có truyền thống trồng bông, nuôi tằm kéo sợi dệt vải phục vụ nhu cầu may mặc của cộng đồng. Trang phục của phụ nữ Lự gồm có: khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng.

Khăn đội đầu bằng vải bông nhuộm chàm đen dài khoảng 410 cm, rộng 30 cm, hai đầu khăn có tua dài khoảng 20cm.Trên nền đen của hai đầu khăn dệt xen kẽ 18 đường chỉ trắng to nhỏ khác nhau và hai đường chỉ vàng chạy ngang tô điểm cho khăn. Khi sử dụng, khăn được gấp bốn theo chiều dọc và được quấn quanh đầu nhiều vòng búi nghiêng về phía bên trái đầu.
Áo may bằng vải chàm đen, áo tứ thân, ghép liên kết với nhau từ 6 miếng vải cắt theo hình rẻ quạt, tạo cho áo có vạt xòe rộng so với eo. Hoa văn dệt kết hợp với hoa văn ghép vải. Cổ áo liền với nẹp ngực gồm 5 miếng vải khâu cầu kỳ các màu nhau tạo thành. Miếng vải ở giữa được đáp những quả hình trám màu xanh đỏ nối tiếp nhau.
Tay áo dài, được may thon dần về phía cổ tay viền một vòng vải hoa nhỏ, sát nách có thêu hoa văn chạy vòng quanh ống tay. Trên thân áo bên trái thêu một đường chỉ nhỏ hình gióng trúc chạy từ cổ thẳng xuống vạt áo bằng chỉ các màu.

Vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau là hoa văn ghép vải, đồng bào gọi đó là "con suối uốn lượn". Dưới hoa văn ghép vải là những hình tam giác thêu bằng chỉ các màu. Hai bên vạt áo được đính hai dây vải hoa, dải dây bên sườn phải có năm tua bằng sợi len các màu có xâu những hạt cườm. Khi mặc, người ta vắt chéo thân bên trái sang phía sườn phải và buộc hai dây vải với nhau, dây được buông thõng tới gần đầu gối, khi bước đi hai dải dây nhún nhảy đung đưa tạo sự uyển chuyển mềm mại của người phụ nữ.

Hàng ngày phụ nữ Lự thường mặc từ hai đến ba chiếc váy cùng một lúc. Chúng được lồng vào nhau thành nhiều tầng, mỗi chiếc cách nhau từ 3-4 cm theo chiều cao dần. Đồng bào quan niệm mặc như vậy vừa kín đáo vừa đẹp, vừa có thể thay đổi cho nhau khi chiếc váy ngoài đã cũ. Váy được tạo bởi ba miếng vải khác nhau, hình ống và chia làm ba phần gồm cạp, thân và chân váy. Cạp váy bằng vải bông nhuộm nâu, không trang trí hoa văn. Thân váy bằng vải tơ tằm được dệt trên một khung cửi riêng, kỹ thuật dệt phức tạo và đòi hỏi sự khéo léo của người dệt để tạo thành những hoa văn theo ý thích của từng người. Thân cải hoa văn thành hai phần rõ rệt. Nửa thân tiếp giáp với cạp váy bằng vải tơ tằm màu nâu sạm, trên có dệt xen nhiều sọc màu vàng và đỏ chạy song song theo chiều ngang của váy.

Nửa thân sau giáp với chân váy bằng vải tơ tằm có dệt hoa văn, thêm vào đó là những phần thêu bằng len. Hoa văn nổi bật ở thân váy quả trám cao 10 cm, xen kẽ giữa hai quả trám là hình hai người quay ngược đầu vào nhau tay dang ra hai bên. Chân váy bằng vải bông nhuộm đen, gấu váy viền bằng vải hoa rộng 1cm. ở khoảng giữa có khâu nối 9 ô vải hoa các màu theo chiều dọc từ thân váy xuống gấu váy, kết thúc là hoa văn các hình tam giác xanh và đỏ xen kẽ nhau nhằm giúp váy thêm nổi bật. Thắt lưng bằng vải mộc trắng, hai đầu thêu hoa văn 6 đường chạy ngang, đường thứ 4 được thêu cầu kỳ hơn và ở đuôi thắt lưng để nhiều tua sợi, khi thắt họ gấp đôi khổ vải, buộc sang bên cạnh sườn bên trái, để thõng hai đầu dây cho mềm mại. Vòng cổ được làm bằng bạc (ngày nay bạc hiếm họ chuyển sang làm bằng nhôm) vòng hình tròn, hai đầu vòng uốn gập ngược lại tạo ra hai lá hình tam giác, trên mặt lá có chạm khắc hoa dây mềm mại.Trang phục của phụ nữ Lự là nét đẹp văn hóa độc đáo trong 54 dân tộc Việt Nam nó đóng góp vai trò to lớn trong kho tàng văn hoá dân tộc, là niềm tự hào dân tộc, là đặc trưng văn hóa cần được bảo tồn và giữ gìn phát huy.

(Cinet-Tổng hợp)

Hoa văn trên trang phục của người Tày


Trang phục cô gái Tày

Trang Phục của người Tày đơn giản một sắc chàm, nét đặc sắc thể hiện ở những mẫu hoa văn trên vải của họ. Loại vải dệt hoa văn mầu đen trên nền vải trắng là loại vải để may mặt chăn, loại hình trang trí này phổ biến trong các dân tộc nói ngôn ngữ Tày-Thái, mà người ta còn dùng một thuật ngữ để gọi đồ án trang trí hoa văn như thế này là lái ăm - có nghĩa là vằn đồ đan, giống như các vằn nổi trên đồ đan. Họa tiết được kỷ hà hóa là chính để thích hợp với việc dệt trên khung dệt. Bố cục họa tiết theo phương pháp ô quả trám có các đường viền xung quanh tạo thành các đường diềm gãy khác. Trong các ô quả trám là họa tiết cách điệu hóa hình họa, hình ngọn rau bầu, bí, là loại cây có liên quan nhiều đến nền văn hóa cổ, tín ngưỡng cổ của nhiều cư dân nông nghiệp ở phía Bắc nước ta, trong đó có người Tày. Các dân tộc Thái, Lào, Lự ở nước ta phát triển loại hình trang trí này rất đa dạng, phong phú.

Trên cơ sở của loại bố cục hoa văn một mầu đen trên nền trắng như thế này, người Tày lại phát triển trang trí theo một hướng khác, gài mầu vào từng đoạn họa tiết, từng mảng họa tiết tùy trình độ thẩm mỹ, ý thích của người dệt trên khung dệt thủ công, có tên gọi là thổ cẩm, mang ý nghĩa là một loại gấm của địa phương.

Thổ cẩm có loại hình vuông để may mặt địu, có thể thức bố cục hoa văn đăng đối tuyệt đối, bao gồm những diềm và hoa văn bỏ ô ở khu vực trung tâm trang trí. Ngoài ô quả trám đã xuất hiện các biến thể như ô hình tám cạnh, hình vuông, hình chữ nhật, tạo cho đồ án trang trí có đường nét cấu tạo phong phú hơn, đa dạng hơn.

Có loại thổ cẩm bố cục hình chữ nhật để làm mặt chăn, màn che. Những tấm màn che mà vị trí là ở các nơi thờ cúng tổ tiên, người ta thể hiện các đề tài liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, như thêm đường diềm ở phía trên - tương ứng với cõi Trời, có hình các vị thần linh, bảo hộ cho sự sống bình an của con người hoặc thêm đường diềm ở phía dưới - tương ứng với cõi Đất, có hình con ngựa, con chim là những hình tượng biểu trưng cho cuộc sống, cỏ cây, muông thú trên mặt đất như quan niệm về vũ trụ của dân gian. Ngoài ra, còn có nhiều họa tiết khác nữa, như các chữ Hán-theo kiểu chữ triện, hồi văn phật giáo-chữ Vạn, Hoa đào, Hoa cúc cách điệu, hình mặt trời, ngôi sao tám cánh v.v.

Mầu sắc rực rỡ, sự phối hợp các màu nguyên sắc có độ tương phản cao bên nhau khá mạnh bạo. Có những hòa sắc trầm, dịu, hoặc sáng tươi, các sắc thái khác nhau cho thấy thổ cẩm Tày không gò bó trong quy thức hòa màu hạn chế nào, cho thấy sức sáng tạo phong phú và đa dạng của nghệ nhân nhiều thế hệ, đó cũng là những dấu ấn của sự phát triển trong trang trí dệt dân gian của người Tày để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống ngày một đa dạng phong phú, về các mặt văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc.

Bố cục hình vuông của thổ cẩm, bố cục hình chữ nhật của loại thổ cẩm làm mặt chăn hoặc màn che có quy định phía trên phía dưới - là những bố cục riêng có trong trang trí dệt của người Tày, mà các dân tộc anh em không có.

(Cinet-Tổng hợp)

Trang phục truyền thống của người Bố Y


Trang phục của người Bố Y

Dân tộc Bố Y ở Việt Nam là một trong những dân tộc có số dân ít nhất trong nhóm Tày Thái. Bố Y chia làm hai nhóm có tên gọi chung: nhóm ở Quảng Bạ (Hà Giang) có tên gọi là Bố Y, nhóm cư trú ở Lào Cai mang tên là Tu Di.

Trang phục nam: Nam giới thường mặc áo cổ viền, loại áo cánh ngắn, tứ thân; quần lá tọa màu chàm bằng vải tự dệt.

Trang phục phụ nữ dân tộc Bố Y trong khoảng một thế kỷ gần đây có nhiều biến đổi về kiểu dáng, chất liệu, cách mặc… Bộ y phục cổ truyền của phụ nữ Bố Y ở Tam Đường, Phong Thổ, Lai Châu gồm: khăn đội đầu, áo trong, áo ngoài, váy to, váy nhỏ, tạp dề.

Khăn đội đầu (ba can) bằng vải nhuộm chàm, là loại khăn dài 300cm, chiều rộng 35cm. Hai đầu khăn được khâu vắt mép bằng chỉ màu ghi, cạnh mép khăn dùng chỉ màu khâu thưa để đường chỉ nổi rõ có tính chất trang trí cho khăn. Khi dùng, gập đôi khăn theo chiều dọc rồi quấn xung quanh đầu, đuôi khăn ngoài cũng có thể giắt hoặc buông.

Áo trong (pủ đy) là loại áo kiểu tứ thân mở ngực, có một chiếc cúc đồng cài giáp cổ. Hai vạt áo trước có hai túi nhỏ cân xứng nhau để đựng tiền và đồ. Cổ áo liền với nẹp ngực được đáp bằng vải chàm xanh, cổ tay áo đáp khoanh vải màu xanh rộng 10 cm, hai đầu khoanh vải xanh viền một đường vải trắng 1 cm. Áo trong (pủ đý) được coi là loại áo lâu đời nhất trong bộ y phục cổ truyền của phụ nữ Bố Y. Hiện nay áo “pủ đý” không sử dụng mà cất kỹ trong hòm, khi chủ nhân quá cố mặc sang thế giới bên kia.

Áo ngoài (pủ pấp) bằng vải thô nhuộm chàm dài 60 cm, rộng 55 cm (tùy người cụ thể có kích thước khác nhau). Áo may kiểu tứ thân không có cúc cài, chỉ có một đôi dây vải, một chiếc đính phía dưới vạt áo trái, một chiếc đính nơi xẻ tà nách bên phải, khi mặc áo chúng được buộc lại với nhau.

Cổ áo (vừa pủ) liền với nẹp ngực, được khâu táp hai miếng vải màu xanh nhạt, nẹp áo trước ngực bằng vải đỏ. Trên nẹp vải đỏ thêu hoa văn, đồng bào gọi là con rồng (lùng). Nẹp áo trước ngực bằng vải xanh lơ trên thêu hoa văn hình răng cưa (vùa lùng). Tay áo liền với thân, ống tay rộng, có nẹp vải trắng bên trong, bên ngoài dùng vải màu khâu xa mũi tạo thành ba chấm liên tiếp để trang trí.

Váy to (vấn lậu) hay còn gọi là váy dài, váy bằng vải thô nhuộm chàm dài 85 cm, cạp váy rộng 35 cm, là loại váy mở khép mí, gồm ba phần cạp váy, thân váy, gấu váy. Cạp váy (roi vấn) bằng vải thô màu trắng, hai cạnh cạp có đính hai dây vải để buộc. Thân váy được gấp nếp mới đính vào cạp váy có độ xòe khá lớn. Gấu váy (pấn vấn) là mảnh vải được dệt bằng chỉ màu xanh, đỏ, tím, ghi, tạo thành những đường kẻ nhỏ khâu ghép vào thân váy, gấu váy cũng được gấp nếp như thân váy. Váy to dùng che trước bụng, loại váy này trước kia dùng trong các dịp lễ tết, hội hè, cưới xin. Hiện nay không dùng nữa, nó được cất kỹ để mặc vào lúc quá cố.

Váy nhỏ (vấn biên) bằng vải thô nhuộm chàm dài khoảng 50 cm, cạp váy rộng 30cm, gồm ba phần cạp váy, thân váy, gấu váy. Cạp váy (roi vấn) bằng vải thô nhuộm chàm màu xanh, hai cạnh cạp váy đính hai dây vải để buộc khi mặc. Thân váy (coóng vấn) được cấu tạo khác váy to. Phía giáp cạnh váy là một miếng vải chàm gấp nếp nhỏ sít vào nhau theo chiều dài của váy. Tiếp đến là mảnh vải sợi màu đỏ đồng bào gọi là "tục vấn", nằm giữa váy và cũng được gấp nếp theo chiều dài của váy. Dưới "tục vấn" là dải vải thô nhuộm chàm cũng được gấp nếp theo chiều dài của váy. Gấu váy (pấp vấn) liền với thân váy được khâu viền ở phía trong. Cách mặc váy truyền thống của phụ nữ Bố Y: trước hết đặt váy to vào giữa bụng và buộc dây sau lưng, sau đó đặt váy nhỏ vào giữa lưng và buộc dây trước bụng. Bộ váy truyền thống của phụ nữ Bố Y thực chất là hai mảnh vải xếp nếp khép lại, khi mặc tạo kẽ hở (váy hở) ở hai bên hông để đi lại dễ dàng.

Tạp dề (vẩy dao) bằng vải thô nhuộm chàm dài khoảng 115cm, rộng 80cm. Tạp dề được đeo ngoài áo và váy trong những dịp lễ tết, hội hè, cưới xin gồm hai phần: yếm che và dây đeo. Yếm che bằng vải chàm, giữa yếm có thêu họa tiết hoa văn hình con cua cách điệu. Dây đeo bằng vải chàm được đính hai bên cạnh nhỏ của tạp dề. Khi dùng buộc vòng qua cổ. Dây buộc sau lưng được đính trên hai cạnh to của tạp dề, khi dùng buộc thắt sau lưng.

Trang phục của phụ nữ Bố Y là nét văn hóa độc đáo trong 54 dân tộc Việt Nam. Trang phục tộc người đóng góp vai trò to lớn trong kho tàng văn hóa dân tộc, là niềm tự hào dân tộc, là đặc trưng văn hóa của mỗi tộc người cần được bảo tồn và gìn giữ phát huy theo tinh thần Nghị quyết V khóa VIII của Trung ương Đảng trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lễ cơm mới của người Mông ở Suối Giàng, Yên Bái


Suối Giàng - địa danh nổi tiếng với đặc sản chè tuyết shan cổ thụ là xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ðây cũng là nơi được người Mông chọn làm nơi sinh cơ lập nghiệp trong cuộc hành trình đi tìm vùng đất mới.


Nhờ có cây chè tuyết shan mà đời sống của đồng bào ngày càng khá giả. Các thành viên họ Giàng thường tổ chức lễ cúng dòng họ trên một đỉnh núi cao nhằm cảm ơn thần linh phù trợ cho họ và cầu xin thần thổ địa, tổ tiên nơi ở cũ chứng giám phù hộ cho con cháu ở nơi này có được cuộc sống no đủ hơn. Cái tên Suối Giàng đã được ghép bởi tên dòng suối và tên dòng họ người Mông đầu tiên có công khai phá mảnh đất này.

Mùa thu, khi những vạt lúa nương chuyển sang đỏ đuôi, báo hiệu mùa thu hoạch đã tới, là thời gian các gia đình trong bản chuẩn bị tổ chức lễ mừng cơm mới tiếng Mông gọi là Nào màu xaz. Ðây là lễ thức cúng tế nhằm cảm ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, gia đình có được vụ mùa bội thu, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh...

Việc chọn ngày tổ chức lễ cơm mới đối với người Mông ở Suối Giàng không mang ý nghĩa tín ngưỡng, nó phụ thuộc vào lúa chín ở mảnh nương của gia đình, cũng như thời tiết đẹp thuận tiện cho việc đi nương lấy lúa mới về làm lễ và anh em về vui dự lễ.

Gia đình ông Giàng A Tếnh ở bản Pang Cáng xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái hôm nay rộn rịp khác thường, bởi gia đình ông đang chuẩn bị tổ chức lễ cơm mới. Những người anh em bà con trong bản cũng đến phụ giúp gia đình tổ chức lễ mừng cơm mới, người lo lên nương gặt lúa kịp mang về chế biến lấy gạo nấu cơm để làm lý, người lo phụ giúp công việc bếp núc, người lo tiếp đón khách. Tại gian thờ của nhà chủ lễ các con vật hiến tế lần lượt được giết thịt, việc này nhất thiết phải được làm tại đây để cho các ma chứng kiến, bởi trong nhà đây là không gian thiêng nơi bày biện đồ cúng và làm lễ hiến tế trong các dịp lễ, Tết của gia đình, dòng họ cũng như các hoạt động lễ nghi tôn giáo khác. Lúc này, gia chủ cùng một số bà con họ hàng chuẩn bị các dụng cụ cắt lúa như dao cắt lúa, lù cởi... để đi lên nương cắt những bông lúa đầu tiên về làm lễ cơm mới.

Kết thúc công việc cắt lúa trên nương, bà chủ nhà là người gùi những cum lúa đó về nhà được đặt tại chân cột chính gian giữa nhà. Người Mông quan niệm rằng, làm như vậy để báo với thần cột nhà biết về những công việc của gia chủ đã làm và xin ma cột nhà hãy gìn giữ, bảo vệ hồn lúa mới.

Lúa cắt về được tách hạt ra khỏi bông để chế biến thành gạo. Thóc được sàng sẩy sạch rồi mang đi rang lên trước khi giã. Rang lúa là một công việc đòi hỏi phải có kinh nghiệm, lúa được đảo đều tay, lửa vừa phải, đến độ khô nhất định sao cho khi mang đi giã thành gạo, hạt không bị nát, cơm chín có mùi thơm của gạo mới.

Cùng lúc đó những người đàn ông bận rộn với công việc chuẩn bị cho lễ cúng tổ tiên, ma cột nhà, ma cửa nhà, ma bếp. Chủ lễ ngồi trước mâm cúng tiến hành các nghi thức cúng lễ truyền thống của người Mông. Kết thúc lễ cúng tại ban thờ Xử cang, mâm cúng thổ thần, thổ địa tại sân trước cửa chính của gia chủ được dọn ra với lễ vật đơn giản gồm một thìa cơm cùng một miếng thịt.

Sau đó, mâm cơm khách được dọn ra, mọi người ăn uống vui vẻ bên mâm cơm cùng gia chủ. Vị trí ngồi ăn ở từng mâm cũng được quy định rõ ràng. Thầy cúng, chủ nhà cùng các cụ cao tuổi ngồi ăn các món của mâm cơm cúng tại bàn thờ; khách quý được ngồi ăn tại mâm cơm cúng ngoài trời, các mâm tiếp theo được dành để mời anh em họ hàng, bà con trong bản. Ðiều đặc biệt ở đây xôi và cơm được nấu từ gạo mới để chuẩn bị cho lễ cúng khi ăn nếu nhà ai chưa làm lễ mừng cơm mới thì xin phép gia chủ chỉ ăn cơm nấu từ gạo cũ của năm trước, bởi họ quan niệm rằng không bao giờ được phép ăn cơm mới của nhà khác trước khi nhà mình làm lễ cúng cơm mới. Họ tin rằng nếu ăn cơm mới của gia đình khác thì gia đình mình năm sau sẽ mất mùa.

Xem chân gà là một nghi thức quan trọng trong lễ ăn cơm mới người Mông ở Suối Giàng. Họ cho rằng việc xem chân gà trong lễ mừng cơm mới sẽ dự đoán được vụ mùa trong năm mới của gia chủ.

Kết thúc buổi lễ khách và chủ cùng nâng những chén rượu nồng ấm tình cảm anh em họ hàng, tình cảm láng giềng bà con thôn, bản.

Bí mật của trống cổ hơgơr

Hơgơr theo tiếng Bana có nghĩa "trống sấm", được tộc người dùng xua đuổi tà khí trong các cuộc vui và nghi lễ cúng tế quan trọng như cầu mùa, cúng tạ Yàng… Trong khí trời se lạnh giữa đại ngàn hoang sơ, bên bếp lửa tí tách, còn gì bằng khi được chìm đắm trong men rượu lúa rẫy thơm nồng và nghe các già làng trò chuyện về chiếc trống cổ ẩn chứa nhiều điều kỳ thú.

"Phát âm thanh Yàng vui - quỷ sợ!"

Đó là tâm tình của nghệ nhân Aly ở thôn Kol Tum Kơpơiy (phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum). Chỉ vào chiếc trống được ràng bằng dây mây, mặt trống được phủ lớp da thú tua tủa lông vàng trông hơi quái dị, Aly cho biết: "Tên đầy đủ của trống là hơgơr hơkrăn. Vì lớn nhất trong các loại trống nên đồng bào thường gọi nó là trống cái".

Theo các nghệ nhân Bana, trống cái hơgơr luôn được sử dụng song hành cùng bộ chiêng arap (gồm 11 chiếc) - bộ chiêng được sử dụng rộng rãi nhất trong đời sống văn hóa tâm linh của tộc người.

Nghệ nhân Aly giải thích: "Arap nghĩa là chiêng múa, có âm thanh ngân vang. Tiếng trống hơgơr ngược lại luôn trầm ấm. Tuy nghịch âm nhưng khi được phối với nhau chiêng trống sẽ cho ra những bài bản lay động núi rừng. Trong dàn nhạc, bao giờ hơgơr cũng được đánh chính để giữ nhịp".

Qua nhịp gõ điêu luyện của các nghệ nhân, âm vực khi dịu dàng lúc mạnh mẽ, uy lực của hơgơr cứ thế vọng vang qua nhiều con sông con suối, qua nhiều ngọn núi, buôn làng. "Luật tục ông bà qui định, vì là trống cái (trống lớn - trống thiêng) nên không ai được để hơgơr dưới đất mà phải luôn treo trên cột nhà chính. Ngày trước chỉ có người uy tín nhất làng mới được đánh hơgơr. Trống này đặc biệt ở chỗ cả hai người có thể cùng đánh ở hai mặt" - nghệ nhân Ksor Hnao ở làng Kép (phường Thống Nhất, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), bật mí.

Khi được khơi lên từ nhịp vỗ của những chàng Đam San hừng hực sức sống, tiếng chiêng arap cùng tiếng trống hơgơr phát ra hợp âm khi như tiếng suối chảy róc rách, lúc như tiếng gầm thét của sấm sét vào mùa thần nước khóc và khi ai oán như nỗi đau của những đôi tình nhân bị chia lìa... Âm thanh ma mị đó được nghệ nhân Aly đúc kết bằng nhận định: "Lễ cúng cầu mưa, lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả… không thể thiếu tiếng trống hơgơr. Tiếng trống là cầu nối giữa buôn làng với thánh thần. Tiếng trống làm Yàng vui, khiến ma quỷ hoảng sợ không dám đeo bám, làm hại mọi người".

Tuyệt kỹ giữa đại ngàn

Tìm hiểu về chiếc trống "Yàng vui - quỷ sợ", thật bất ngờ trước kỹ thuật chế tác công phu, đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề điêu luyện và mất nhiều công sức. Nghệ nhân Aly nói: "Người làm được hơgơr phải là người biết sử dụng nó. Ai gõ hay, lâu năm sẽ làm ra cái hơgơr tốt. Nghĩa là để càng lâu thì cái âm càng trầm ấm và vang rất xa".

Năm nay tuổi ngoài 50, Aly cho biết, chiếc trống mà anh đang sử dụng "Có tuổi đời hơn tuổi mình. Sau khi ông già mất thì mình sử dụng nó". Để làm trống, hồi còn là thanh niên, cha Aly vào rừng sâu tìm cây gỗ trắc thối đốn hạ, cắt khúc rồi kỳ công khoét lõi.

"Sau đó ông già tiếp tục vào rừng săn con mang nhiều tuổi lột da đem ngâm trong nước nhiều ngày rồi bịt lên hai đầu. Tang trống thì ông già dùng dây mây rừng lâu năm quấn chặt".

Những năm sau này, do rừng trắc đại thụ và loài mang bị phường sơn tặc đốn hạ, bắn giết bừa bãi nên nghệ nhân làm trống hơgơr phải sử dụng cây gỗ tạp, da trâu chưa đủ tuổi nên âm thanh và độ bền của trống không được tốt. Aly lắc đầu: "Những cái trống hơgơr đó để lâu không những không hay mà còn dễ hư hại".

Sau cuộc gặp gỡ với nghệ nhân Aly, chúng tôi có chuyến du khảo đến huyện Lắk và tình cờ được KSiêng, con trai một nghệ nhân nay đã là người thiên cổ, bật mí tuyệt kỹ làm trống hơgơr gần như bí truyền. Sau công đoạn "đốn cây cổ thụ moi lõi", thay vì khứa vành quanh hai đầu miệng trống để tạo độ lõm ràng da thì "người xưa" dùng mật ong thoa quanh chờ mối ăn, đến khi thấy được thì giũ sạch. Với kỹ thuật này, da trống không cần phải là da mang mà dùng da trâu. Mặt trên da trâu đực, mặt dưới da trâu cái.

Chỉ vào chiếc trống hơgơr đang được một thanh niên gõ thùng thùng trước nhà rông, KSiêng trĩu giọng: "Cái trống này làm vụng lắm. Do không xử lý đúng kỹ thuật (da trâu chưa đủ tuổi, căng chưa đủ độ, gỗ không tốt…) nên âm thanh nó cứ đùng đùng chứ không "âm mà vang" như chiếc trống gia bảo của gia đình mình bị hỏng cách đây 7 năm do sút dây rớt xuống sàn nhà". - KSiêng tặc lưỡi: "Âm thanh của cái trống hơgơr xưa và bây giờ khác nhau lắm!".

- Làm thế nào để nhận biết đâu là trống hơgơr xưa và nay?

- Dễ thôi mà! Sau này người ta dùng đinh sắt đóng trống. Ngày trước thì dùng đinh tre. Đinh tre được làm từ cây tre lâu năm. Để tránh bị mối mọt và tạo độ bền, trước khi đóng trống nó được ngâm lâu ngày trong nước. Sau đó huơ nhiều lần trên ngọn lửa đấy".

Áp dụng chỉ điểm của KSiêng, qua quan sát chiếc trống hơgơr của Aly, tôi nhận thấy những chiếc đinh đóng trống đúng là rất đặc biệt. Mỗi chiếc đinh tre ăn sát lớp da mang có màu ngà, tiết diện to bằng ngón trỏ người lớn.

Hỏi "Làm thế nào để dùng tre làm đinh đóng xuyên qua lớp da mang, xuyên qua lớp gỗ cứng như thạch?" thì những nghệ nhân hậu bối như Aly, KSiêng, Ksor Hnao… lắc đầu. Kỹ thuật đó đến nay với họ vẫn là bí mật


Độc đáo trang phục các dân tộc Yên Bái

Các dân tộc ở Yên Bái sống xen kẽ, quần tụ ở khắp các địa phương trên địa bàn của tỉnh với những bản sắc văn hóa phong phú đặc sắc. Tất cả đã hòa quyện để tạo nên vốn văn hóa quý giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Một trong những sắc thái độc đáo tạo nên những nét riêng cho mỗi dân tộc chính là bộ trang phục truyền thống. Trang phục các dân tộc là một nét văn hóa đẹp, chúng không chỉ đặc trưng cho mỗi dân tộc mà còn nói lên phong tục, cách sống… của tộc người đó.

Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc có kiểu dáng và cách trang trí hoa văn không giống nhau. Nếu như trang phục của người Cao Lan, người Tày và người Nùng đơn giản, không cầu kỳ về kiểu dáng và màu sắc thì trang phục truyền thống của đồng bào Mông, Dao, Thái lại khá phong phú về hoa văn và mềm mại về kiểu dáng. Tuy có sự khác nhau về cách bài trí nhưng trang phục của các dân tộc đều được thiết kế tiện cho việc đi lại và thuận lợi cho lao động hàng ngày. Cùng với những bộ váy áo do đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn thẩm mỹ của các thiếu nữ tạo ra thì những bộ trang sức như các loại vòng cổ, vòng tay bằng bạc là không thể thiếu được trong trang phục của người dân tộc.

Trong các dân tộc sinh sống ở Yên Bái, dân tộc Dao là dân tộc chiếm số đông (tới 9,1% dân số của toàn tỉnh), gồm có 4 nhóm chính là Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao trắng và Dao tuyển. Để phân biệt giữa các nhóm người Dao, người ta chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong trang phục người phụ nữ. Tuy có khác nhau về một số chi tiết nhưng tựu chung lại, người Dao thường sử dụng các màu đỏ, đen và trắng để tạo ấn tượng mạnh mẽ, cùng với đó là sự trang trí các họa tiết phong phú như hình cây thông, hình cỏ cây, hoa lá, muông thú. Chất liệu vải để may trang phục được dùng bằng vải lanh nhuộm chàm. Theo phong tục của người Dao thì trong bộ y phục, quan trọng nhất là chiếc áo dài có màu chàm hoặc màu đen. Bên trong chiếc áo dài, phụ nữ Dao còn mặc một chiếc áo “lui ton” giống như cái yếm, mặc bên trong che kín cả ngực, cổ tròn mở sau gáy. Một trong những thứ tạo nên nét độc đáo cho bộ y phục Dao không thể không kể đến khăn đội đầu và các đồ trang sức bằng bạc.

Với lối dùng màu chàm phổ biến, trang phục của dân tộc Tày mang dáng vẻ đằm thắm rất đặc trưng. Trang phục của phụ nữ dân tộc Tày thường rất ít hoặc không trang trí hoa văn thêu thùa. Áo dài là loại áo 4 thân, gài khuy áo một bên cạnh sườn. Đi cùng với áo, phụ nữ Tày thường mặc quần dài hoặc váy rộng màu đen, dây lưng dài quấn quanh eo từ 2 đến 3 vòng. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm có thêm dải hoa văn, khi đội vấn ngang đầu, ôm gọn mái tóc vừa tạo sự duyên dáng cho người mặc, vừa gọn gàng, thuận tiện trong các hoạt động lao động sản xuất. Trang phục của người Tày tuy đơn giản song ẩn sâu trong đó là sự giản dị, duyên dáng, đằm thắm của người phụ nữ dân tộc Tày.

Bộ trang phục của dân tộc Cao Lan gồm áo và váy lại có độ trầm hơn bởi sự phối màu và sự kết hợp độc đáo từ nhiều mảnh ghép của màu đen và màu nâu đỏ trong chiếc áo dài. Áo được may với cổ đứng ngắn, cài khuy bên nách phải, có xẻ tà dài. Váy được nhuộm chàm và có độ rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại và lao động của phụ nữ Cao Lan. Cùng với váy và áo, phụ nữ Cao Lan quấn xà cạp ở chân và dùng đồ trang sức vòng cổ, vòng tay bằng bạc.

Không trang trí hoa văn rực rỡ, phụ nữ dân tộc Nùng mặc áo 4 thân màu chàm, may rộng cả phần thân và tay áo. Điểm khác biệt rõ nét nhất để phân biệt dân tộc Nùng với dân tộc Tày và Cao Lan là cách đội khăn và cách trang trí màu sắc và hoa văn trên từng chiếc khăn đội đầu. Trang sức cơ bản của người Nùng là vòng bạc và dây xà tích, đây là vật trang trí quan trọng làm nổi bật bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Nùng.

Dẫu không giống nhau về kiểu cách, hoa văn trong trang phục của các dân tộc Yên Bái nhưng đều toát lên sự chắt chiu những tinh hoa văn hoá trong cộng đồng để tạo nên nét độc đáo riêng có trong mỗi trang phục.

Bắn nỏ, môn thể thao tiêu biểu cho tinh thần thượng võ của đồng bào dân tộc thiểu số


Trong các ngày hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh những trò chơi như tung còn, kéo co, đẩy gậy thì bắn nỏ là một môn thể thao nhiều tính hấp dẫn.


Nỏ là một dụng cụ làm bằng gỗ, mũi tên làm bằng tre hoặc bằng sắt, đồng bào các dân tộc thường đeo nỏ mỗi khi đi rừng để săn thú, do đó các cụ già, thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số rất thạo bắn nỏ.

Những người tham gia thi bắn nỏ thường chuẩn bị rất kỹ từ sau Tết Nguyên đán. Họ căng dây nỏ, vót tên và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Tham gia thi bắn nỏ thường là những thợ săn có tiếng, là những thiện xạ dùng nỏ săn bắn chim thú cho gia đình. Một số tay nỏ là những thanh niên khỏe mạnh, ham thích môn bắn nỏ nhằm tập luyện sức khỏe và bảo tồn môn thể thao truyền thống.

Hội thi bắn nỏ thường được tổ chức trên một bãi đất rộng. Người thi có nỏ riêng để quen với tay nỏ mà bắn trúng đích. Trước khi thi người bắn có thể thử để chọn tư thế, thử nỏ theo kinh nghiệm riêng của mình…Khác với bắn súng, bắn nỏ khi báo kết quả sẽ căn cứ trên những mũi tên trúng đích đã cắm vào bia, còn tên trượt sẽ bay ra ngoài. Người thắng cuộc là người có nhiều tên bắn trúng đích nhất.

Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của các dân tộc thiểu số Thái Nguyên. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều thanh niên nam nữ ham thích và biết bắn nỏ. Vì vậy trong hội thi thể thao các dân tộc, môn bắn nỏ được đưa vào là một môn thi chính thức. Nhờ vậy kỹ năng bắn nỏ của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã được nâng cao và môn thi này đã đạt nhiều thành tích.

Nhà sàn – Nét văn hoá riêng của người Thái Mường Lò (Yên Bái)


Đây là ngôi nhà đã gắn bó bao năm với gia đình chị Điêu Thị Xiêng, một người tâm huyết với phong trào của địa phương trong việc gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng người Thái đen vùng Mường Lò.


Về làm dâu và sinh sống tại bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ hơn nửa đời người, chị Xiêng đã từng chứng kiến biết bao sự đổi thay của bản mường, qua từng nếp nhà, con đường và cuộc sống của người Thái vùng Mường Lò.

Cộng đồng người Thái sống thành những bản, mường, ở những thung lũng. Cuộc sống hoà với thiên nhiên để tiện cho việc gieo cấy lúa nước, trồng lanh dệt vải nên ngôi nhà sàn của người Thái đặc trưng khác biệt với nhà ở của các dân tộc khác.

Từ xa xưa, trong nhận thức của người Thái là phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Vì thế, những ngôi nhà truyền thống ra đời gắn với đồng bào hàng ngàn năm, giúp họ tồn tại, phát triển. Để có được ngôi nhà sàn vừa ý, người Thái phải chọn những loại gỗ tốt làm khung nhà, mái lợp gianh. Nhà sàn thường cao hơn mặt đất chừng 2 mét, mặt sàn được lát bằng những cây bương, tre, vầu hoặc gỗ. Kiến trúc có vẻ đơn sơ nhưng lại rất chắc chắn. Có những ngôi nhà tồn tại tới hàng trăm năm tuổi.

Nhà sàn cổ của người Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, ngôi nhà khum khum tựa hình con rùa đứng. Theo truyền thuyết thì thần rùa đã dạy cho người Thái cách làm nhà như hình rùa đứng để tránh được lũ lụt và thú dữ. Hình ảnh khau cút là hai thanh gỗ bắt chéo nhau theo hình chữ X trên đầu hồi nhà là biểu tượng của sừng trâu, loài linh trưởng gắn bó với cuộc sống trồng cấy lúa nước và truyền thuyết khai thiên lập địa của người Thái đen Mường Lò.

Ở gian giữa nhà là bếp lửa, bếp lửa vừa để giữ ấm cho gia đình khi mùa đông giá rét, vừa để đun nấu phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhà sàn đặc trưng của người Thái đen thường có hai cầu thang, đặt hai bên lên xuống khác nhau, cầu thang 7 bậc tượng trưng cho 7 vía của người đàn ông còn cầu thang 9 bậc tượng trưng cho 9 vía của người phụ nữ. Sở dĩ có hai cầu thang là vì trước kia Người thái thường có tục lệ bắt con trai ở rể, trong suốt thời gian ở rể, người con trai chỉ được phép đi bên cầu thang có 7 bậc, người phụ nữ cũng vậy họ cũng chỉ được đi bên cầu thang có 9 bậc.

Người thái thường chung sống rất hoà thuận đầm ấm, một gia đình người Thái thường có 3 thế hệ chung sống. Vào những ngày vui, lễ tết, hội hè hoặc có khách quý, mọi người cùng nhau uống rượu, múa xoè và khắp với nhau.

Ngày nay, để thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng được quy hoạch lại cho phù hợp với không gian mới. Ngôi nhà của người Thái đang dần thay đổi với những nguyên liệu mới, để phù hợp với kiến trúc hiện đại đảm bảo sinh thái và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Nhà sàn của người Thái biểu trưng tình cảm, lối sống của một tộc người, nhà sàn được xem như một bảo tàng nghệ thuật sống của người Thái Mường Lò, là ngôi nhà thân thương đã hun đúc lên tinh thần một tộc người, là nơi gửi gắm niềm tin của con người với các thần linh, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần.

Tục cúng “Ôn chít” của người Mông Tây Bắc


Cũng như nhiều dân tộc anh em sinh sống trên dải đất hình chữ S, đồng bào Mông sinh sống ở vùng cao của phía Bắc Tổ quốc cũng có những tín ngưỡng riêng của mình. Một trong những tín ngưỡng đặc sắc và tiêu biểu đó là tục cúng “Ôn chít", có nghĩa là cúng tạ ơn xin lộc.


Cúng “Ôn chít” được tổ chức thường xuyên và liên tục mỗi năm một lần vào ngày mười lăm tháng 9 Âm lịch, sau khi đã thu hoạch lúa xong. Nét độc đáo ở đây là trong một dòng họ chỉ tập trung tổ chức cúng ở một gia đình, mỗi năm một nhà bắt đầu từ nhà ông trưởng họ rồi cứ thế theo vai vế cho đến hết lượt rồi lại quay về nhà trưởng họ.

Lễ vật cúng tế được chủ nhà tổ chức lễ chuẩn bị sẵn sàng trong dòng họ mổ chung một con trâu, bò hay lợn...). Các gia đình còn lại khi đến nhà tổ chức cúng lễ ai cũng phải cầm theo trên tay 3 cây trít đá, một mảnh vải dải đỏ nhỏ dài từ 20 đến 30cm được cuốn 3 vòng quanh 3 cây chít. Nếu gia đình nào khá giả thì có thể mang thêm ít tiền, rượu đến góp lễ. Chờ cho mọi gia đình đến đông đủ thầy cúng sẽ đi sắp lễ. Cúng “Ôn chít” được tổ chức vào ban ngày từ 8h - 9h sáng ở ngoài trời ngay sau nhà.

Trong khi cúng mọi người trong dòng họ đứng gọn vào một chỗ theo từng gia đình, ông trưởng họ tay cầm một đầu sợi chỉ lanh để thầy cúng cầm cuộn chỉ vừa cúng vừa đi vòng theo chiều kim đồng hồ, cuốn chung quanh tất cả mọi người, cứ như vậy cho đến hết bài cúng. Thầy cúng lại cúng lại và đi ngược chiều kim đồng hồ để tháo những vòng chỉ cuộn quanh mọi người trong dòng họ đó ra. Cứ như vậy đủ 3 vòng thì thầy cúng bắt đầu cầm bó chít của các gia đình mang đến bó lại bằng sợi vải đỏ, cắm chín nén hương lên bó trít và thầy cúng vác bó chít lên vai, lấy sợi chỉ đỏ vừa cúng vừa cuốn quanh bó chít đủ ba vòng rồi lại cúng và tháo sợi chỉ đó ra khỏi bó chít.

Khi thầy cúng đã cúng xong ở ngoài trời thì mới các gia đình vào ngồi ở giữa nhà để tạ ơn thầy. Thầy cúng cần bát nước trên tay hớp một ngụm để xúc miệng rồi nhổ đi, hớp ngụm thứ hai thầy lẩm bẩm khấn, xong phun lên nóc nhà. Lúc này lễ cúng đã xong, mọi người nghỉ chuẩn bị bữa cơm tập trung ăn uống,chúc tụng nhau vui vẻ.

Không mang nặng màu sắc mê tín như nhiều nghi lễ cúng tế của các dân tộc khác, tục cúng “Ôn chít” thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no. Nghi lễ này của người Mông nhằm tạ ơn trời đất, thánh thần đã phù trì giúp đỡ đem lại cho họ mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, thóc gạo đầy nhà vào vụ gặt năm tới, cầu cho sự bình an của các gia đình, tránh được những tai ương ảnh hưởng đến mọi thành viên trong dòng họ và cả cộng đồng.

Độc đáo sáo đinh tút của đồng bào Triêng (Quảng Nam)

Người Triêng lớn lên trong tiếng đinh tút và tiếng sáo độc đáo này cũng góp phần làm nên những tình yêu đôi lứa. Người Triêng (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ-Triêng), nơi có nền văn hóa cổ truyền từ ngàn đời, hội đủ những đặc trưng của cư dân miền núi. Đồng bào sinh sống chủ yếu ở ba xã La Dêê, Ðắc Pre và Ðăk Pring thuộc huyện miền núi cao Nam Giang, Quảng Nam.

Qua bao đời nay, người Triêng vẫn lưu giữ nhiều vốn văn hóa quý, trong đó có âm nhạc truyền thống và đặc biệt giá trị của loại sáo đinh tút, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần. Mỗi khi tiếng sáo đinh tút thổi lên hòa cùng tiếng trống và cồng chiêng, âm thanh ấy lan tỏa, bay bổng vào ngõ ngách, trên các triền núi cao, nơi định cư của người Triêng, tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo…

Già làng Zơrâm Ớt 84 tuổi, dân tộc Triêng, hiện ở thôn Ðăk tà Vâng, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, đinh tút được làm từ cây trúc, loại này mọc rất nhiều ở vùng của người Triêng sinh sống, nhưng không phải cây nào cũng làm được đinh tút đúng kỹ thuật và cho âm hay. Ðinh tút của người Triêng gồm có sáu ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau được làm từ thân cây trúc.

Các ống đinh tút theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Mỗi cây đinh tút có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu rỗng được vót hai bên tạo cho ống có dáng hình phễu để thổi. Muốn thổi được đinh tút, phải có sức khỏe và có kỹ thuật. Bộ đinh tút của họ hiện nay so với đinh tút truyền thống thì ống nhỏ và ngắn hơn, vì vậy có nhiều người biết thổi.

Muốn thổi đinh tút thông thường phải có từ tám người trở lên. Trong đó tám nghệ nhân thổi đinh tút tùy vào sở trường của từng người mà mỗi người phụ trách một ống, còn lại hai nghệ nhân hòa điệu cồng chiêng. Ðinh tút hay, hay dở là phụ thuộc vào người tạo ra nó, từ khâu chọn loại trúc đến việc thẩm âm là kinh nghiệm của nghệ nhân đó.

Ðinh tút là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong lao động sản xuất, nhất là vào dịp mùa xuân. Ngoài ra, trong các dịp lễ hội của cộng đồng như: lễ lập làng, lễ mừng nhà mới, mừng cưới hỏi… và đặc biệt nó luôn có mặt trong lễ hội Choóc đăil truyền thống thường gọi là ngày hội đinh tút của người Triêng.

Già làng Zơrâm Ớt cho biết thêm: Tùy thuộc vào từng bài đinh tút mà người thổi hòa âm với nhau theo ba hoặc bốn cặp một. Trong quá trình thổi đinh tút thì cặp đinh tút ngắn và nhỏ nhất sẽ thổi trước, kế đến là cặp trung, rồi đến cặp dài nhất cùng hòa âm với nhau thành tám điệu, gọi là tám bài đinh tút tương ứng gồm: Za zá, pê lách, túk chiêng hoong, troong zục, trơn lăil, zức zăih… hòa cùng những điệu múa tạo nên một dòng chảy không dứt làm cho hội đinh tút luôn tiếp diễn.

Sự chuyển hóa linh hoạt của những bài đinh tút và sự uyển chuyển của các cô gái Triêng trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, với các bài múa và những điệu sáo đinh tút vang lên bên những thung lũng hẹp, núi rừng vào hội tạo âm thanh giàu cảm xúc, phóng khoáng làm cho tâm hồn người Triêng luôn được thoải mái, nhẹ nhàng…

Tiếng sáo đinh tút thổi lên, âm thanh của nó cứ bay bổng, lan tỏa trên các triền núi cao nơi định cư lâu đời của người Triêng hòa cùng trống, cồng chiêng vào núi rừng đại ngàn tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo, thôi thúc mọi người tạm gác mọi lo toan của cuộc sống đời thường để cầu mong một năm an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và no đủ, mọi người thương yêu và đùm bọc nhau.

Ngoài công việc nương rẫy, những lúc rảnh rỗi, họ đều dành thời gian để truyền nghề cho lớp trẻ và mọi người đều thích thú học để thổi loại nhạc cụ độc đáo này. Ðến nay, các xã như: La Dêê, Ðăl Pre và Ðăk Pring đã hình thành nên nhiều đội đinh tút như: Ðội đinh tút làng Ðăktà Vâng, Ðăk Chờđây, Ðăk Lôi, Ðăk Hlôil, Ðăk Ôốc, Ðăk Rế…

Nếu có dịp đến các vùng của đồng bào Triêng sinh sống vào mùa lễ hội, du khách vẫn còn nghe tiếng sáo đinh tút mọi lúc mọi nơi cứ bay bổng ngân nga ăn sâu vào tiềm thức và là thông điệp gửi gắm những điều tốt lành cho cộng đồng người Triêng. Ðây là dấu hiệu đáng mừng của cộng đồng này trong việc bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc truyền thống.


Cá - lễ vật đặc biệt trong đám cưới của người Thái

Người Thái là tộc người có truyền thống canh tác ruộng nước từ lâu đời. Địa bàn cư trú của họ thường ở các đồng bằng ven chân núi và làng bản quần tụ bên các sông suối. Với những nét đặc thù như vậy, đồng bào Thái đã hình thành nhiều phong tục, tập quán gắn với sông, suối và nền văn minh lúa nước như tục cầu mưa; tục té nước ngày xuân; tục thờ cúng thuồng luồng và những truyền thuyết tình yêu gắn liền với sông, suối...


Đồng thời, xưa kia do thuỷ sản trong các sông, suối rất nhiều, dễ khai thác nên nguồn thức ăn từ thuỷ sinh đã trở thành món ăn thường nhật của người Thái. Nhiều món ăn từ thuỷ sản được bà con chế biến theo cách riêng trở thành đặc sản và có những món đã vượt qua ý nghĩa ẩm thực thông thường để trở thành biểu trưng văn hoá trong lễ, tết, hôn nhân, tang ma...trong đó có món cá muối (pa bẳng) và món cá sấy (pa hắp) để tạo nên món “bẳng-hắp”, là món không thể thiếu trong số các lễ vật đám cưới của nhà trai mang sang nhà gái.

Món pa bẳng được làm từ những loại cá rất ngon như cá xỉnh, cá khuy hoặc cá chép. Cá được làm sạch và ướp với muối, riềng giã nhỏ, thính gạo rồi lèn chặt vào ống nứa to, lấy lá dong nút chặt lại để cá lên men. Khi chuẩn bị lễ vật mang sang nhà gái thì dùng những tấm nan đan mắt cáo bằng lạt mỏng buộc túm đầu miệng ống bằng lạt màu và quai xách cũng làm bằng lạt màu rất đẹp. Món pa hắp cũng được làm từ các loại cá nêu trên. Cá được làm sạch, ướp muối rồi xếp vào những chiếc giỏ nhỏ lót lá dong và làm giàn tre để sấy cá trên gác bếp. Khi chuẩn bị làm lễ vật dẫn cưới, người ta đan những chiếc giỏ nhỏ, có quai xách bằng dây vải thêu màu ngũ sắc rồi xếp cá vào đó. Cả món bẳng và hắp khi ăn đều phải nướng trên than hồng.

Vì sao đám cưới của người Thái không thể thiếu được món bẳng - hắp? Nhiều bà con dân tộc Thái cho rằng, hai món cá này rất ngon, cho nên khi nuôi con gái đến lúc gả chồng thì nhà gái bao giờ cũng muốn có những món “sơn hào hải vị” này để thết đãi bản làng. Những người có vai vế trong dòng họ, bản làng hoặc người ở xa đến dự đám cưới, khi trở về được hỉ chủ biếu cho món này mang về làm quà cho những người thân không đến được thì những người được nhận quà sẽ cảm thấy mình đã được gia chủ rất quý mến và kính trọng.

Bên cạnh ý nghĩa rất thực dụng nêu trên thì cũng có những cách giải thích khác mang nặng ý nghĩ tâm linh đối với món bẳng-hắp trong lễ cưới. Họ cho rằng, món cá ướp trong ống nứa và sấy khô trên gác bếp là lễ vật biểu trưng cho mối quan hệ âm dương, để cho đôi vợ chồng sau khi cưới có được cuộc sống hoà hợp như cá với nước. Cá là con vật sống dưới nước, sinh sôi nảy nở nhiều. Vì vậy, món cá bẳng-hắp bắt buộc phải có trong lễ vật đám cưới để dâng cúng tổ tiên, thần linh và thết đãi dân làng còn chứa đựng cả những ước muốn của con người sau khi kết hôn sẽ sinh con đẻ cái thuận lợi và làm ăn phát triển...

Với những ý nghĩa trên khiến cho món bẳng-hắp luôn được nhà gái “thách cưới” khi hai bên cùng phán cưới chứ không phải nhà trai muốn mang đến nhà gái bao nhiêu cặp bẳng-hắp thì tuỳ tâm. Đồng thời, số lượng bẳng-hắp khi dẫn lễ cưới, bắt buộc phải làm thành từng cặp theo số chẵn. Nếu nhà nào có hoàn cảnh khó khăn mà không chuẩn bị được nhiều bẳng-hắp mang đến nhà gái thì có thể thương thảo xin rút bớt.

Ngày nay, do sự giao lưu văn hoá giữa miền xuôi với miền ngược; do nguồn thuỷ sản ở các sông, suối đã không còn nhiều như trước nên nhiều vùng trong cộng đồng người Thái không còn duy trì được lễ vật này trong lễ cưới. Tuy nhiên, “tục xưa nếp cũ” xin được nhắc lại để mọi người hiểu thêm một nét văn hoá truyền thống trong nghi lễ hôn nhân của đồng bào Thái từ xa xưa.

Văn hóa ẩm thực của người Khmer Sóc Trăng

Điểm đặc trưng của người Khmer là định cư chủ yếu ở vùng nông thôn, trên những giống đất cao mà người Khmer gọi là "đây tuổi".


Đó là vùng sản xuất nông nghiệp, với cây lương thực chủ yếu là lúa. Ngày nay, có trên 90% số dân Khmer chuyên sống bằng nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa gạo và các loại hoa màu. Các loại nông sản này vừa là nguồn cung cấp lương thực vừa là nguồn thức ăn cho việc chăn nuôi của họ. Từ gạo nếp, họ đã biết chế biến các loại cơm và xay thành bột để làm các loại bánh.

Trước đây, cơm được dọn trên chõng tre, đặt ở nhà bếp. Đàn ông lớn tuổi ngồi xếp bằng, nhỏ tuổi ngồi ở tư thế hai chân xếp thành một góc vuông (đều co lại, một chân sát đệm, một chân dựng lên), phụ nữ thì ngồi xếp "chè he" (hai chân co lại và xếp về một bên cho kín đáo). Ăn, người Khơ-me cũng dùng đũa như người Việt, người Hoa, nhưng người nào ăn xong, thì hai tay cầm đôi đũa lên ngang trán, xá ba xá biểu thị lòng biết ơn người làm ra vật thực.

Ngoài việc chế biến thức ăn tươi, họ còn luộc chín, phơi khô hoặc làm mắm để dự trữ lâu ngày. Đặc biệt, với người Khmer, mắm vừa là thức ăn vừa là gia vị chính trong chế biến món ăn. Việc làm mắm cũng có nhiều loại, mỗi loại đều có kỹ thuật rất công phu. Ví dụ: Làm mắm "prôchôc", một loại mắm được người Khmer ưa dùng và được dùng gần như hằng bữa.

Cách làm loại mắm này là cá lóc tươi. Sau khi đánh vẩy, mổ bụng lấy ruột ra, rửa sạch nhớt, nhưng phải đem ngâm nước lạnh một đêm cho cá sình lên, biến chất không có máu, rồi rớt ra, đem phơi nắng cho ráo nước; lúc bấy giờ mới ướp muối, trộn với cơm nguội, cho vào hũ, khạp, đổ nước muối nấu để nguội cho ngập cá rồi dằn mo cau lên trên và lấy thanh tre xiềng thật chặt đừng cho cá nổi lên và đem phơi nắng khoảng nửa tháng. Sau 6 tháng thì dùng được, nhưng để càng lâu càng ngon. Trước khi đem ra dùng, người ta mang thính trộn vào. Mắm màu tái, mùi khẳng, vị mặn gấp... tất cả đều cảm giác mạnh kích thích. Mắm prôhôc để lâu (một năm trở lên) ăn sống, kèm với khế, chuối chát, rau sống; hoặc bầm với xả ớt, ăn với cơm nguội; rất ngon.

Loại mắm này, nếu được làm bằng cá trê vàng, gọi là "Prôchôc ôp", trở thành món ăn nổi tiếng Sóc Trăng. Người Khmer còn chế biến một loại mắm chua gọi "prôot", làm bằng tép mồng, một loại tép rất dễ kiếm ở đồng ruộng, khi trộn với đu đủ, riềng hoặc gừng non sau vài ngày thì ăn được. Cá lốc, cá trê nướng mà chấm với mắm này thì "ăn ngon hết chổ chê".

Ngoài việc sử dụng gia vị như hành, ớt, tiêu, tỏi, người Khmer hay dùng mắm prôhôc làm gia vị chính để nêm nếm, đặc biệt là các món ăn "samlo" (canh), nước lèo. Bây giờ, bún nước lèo Sóc Trăng đã lan rộng trong và ngoài tỉnh, đã xuất hiện trong giai thoại làng văn nghệ, đã trở thành sự nhắc nhở thân tình và bạn bè gần xa; "nhứ ghé Sóc Trăng ăn bún nước lèo và mang về quà mắm ốp Phú Tâm (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng).

Bên cạnh làng nghề trồng lúa, người Khmer huyện Vĩnh Châu rất nổi tiếng về trồng củ cải và làm cải muối mà họ thường gọi là "chhay pâu", được người trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng.

Với loại thực phẩm trên, bữa cơm hằng ngày của người Khmer là cơm, canh, rau, nhưng vào mùa vụ đông ken, bữa ăn của họ rất sơ sài: chỉ một tô prôhôc chưng dưa leo, hoặc cọng bông súng hay bông lục bình... hoặc một đĩa prôhôc bầm xả ớt, gói ăn theo. Nhưng ở buổi tiệc tùng, đám phước, đám giỗ, tết cổ truyền, họ tổ chức ăn uống đãi khách, giống như người Việt, người Hoa, những món ăn hằng ngày, họ không bao giờ đem ra đãi khách, vì họ cho là thiếu tôn trọng. Thức ăn chế biến trong dịp này là thịt gia súc, gia cầm tự sản xuất hoặc mua, với nhiều món ăn khá phong phú, như: cù lao, càri, thịt kho nước dừa, bún nước lèo...

Từ gạo nếp, người Khmer còn chế biến nhiều loại bánh mặn, bánh ngọt, như bánh tét, bánh ít, bánh tổ chim... đặc biệt là loại bánh mang tính đặc thù của văn hóa dân tộc, như bánh gừng, cốm dẹp. Bánh gừng là loại bánh được chế biến từ bột nếp với hột gà, có hình dáng giống như củ gừng, nên người ta gọi đó là bánh gừng (num khnhây). Sau khi được chiên với mỡ đã chín, họ còn rắc lên bánh một lớp đường cát trắng lấp lánh, trông rất đẹp. Bánh này là lễ vật không thể thiếu trong các lễ cưới truyền thống Khmer, biểu trưng cho hạnh phúc của lứa đôi. Người ta cũng có thể làm bánh này loại nhỏ dùng làm quà cáp hoặc đãi khách.

Cốm đẹp được làm từ nếp rang, đâm dẹp, nhưng phải là nếp mới nghĩa là nếp mới chín đỏ đuôi, mới cắt từ cánh đồng mang về. Dụng cụ chính là một nồi đất to, miệng rộng, một chiếc cối bồng. Cối này có dáng thon đứng, được khoét lồng từ một khúc gỗ, chiều cao khoảng 1m và đâm bằng chày đứng. Khi nếp được rang chín đều, có tiếng nổ lách tách, tức là ruột nếp đã chín, nổ pháp tung vỏ ra, người ta bưng nguyên mẻ đổ vào cối để giã, thường là giã đôi: một người, một tay cầm chảy, một tay cầm cây gạt, trộn cho nếp nổi lên đều. Do nếp còn tươi nên thoạt đầu bị giã, hạt nếp bẹp ra dính từng đề. Và cứ như thế, người ta giã cho đến khi hạt nếp khô lên, rời rã; họ sẽ đổ ra nia. dùng sàng sẩy bỏ trấu trắng đục, điểm lác đác những hạt màu xanh. Cơm đẹp trộn với đường, dừa ăn thơm ngon, hoặc ăn với chuối chín muồi. Nó là lễ vật không thể thiếu trong lễ hội Oc-om-bôc, cúng Trăng. Ngày nay, vào dịp lễ hội Oc-om-bôc, khách mới về Sóc Trăng dự Hội đua ghe ngo, được Ban tổ chức tặng một gói quà lưu niệm có ý nghĩa: đó là cơm dẹp (Om-bôc), trộn sẵn với đường, dừa.

Thức uống của người Khmer Sóc Trăng phổ biến là nước mưa chứa vào lu, tích lại trong mùa mưa, dùng để uống cả năm; hoặc nước trà dùng cho người già và để tiếp khách trong các lễ lộc, tiệc tùng, đãi khách, người Khmer thường dùng rựu trắng hoặc rượu ngâm thuốc, được nấu từ gạo; nhưng rượu không được dùng trong chùa, vì đây là điều giới cấm.

Người Khmer vốn có trí thông minh rất nhạy cảm trong việc tiếp thu cái mới, mọi cách làm ăn, mọi hình thái văn hóa của các dân tộc anh em; song, do hạn chế về trình độ, họ tiếp thu một cách không ồ ạt không chọn lọc, nên dễ chịu ảnh hưởng nền văn hóa của các dân tộc anh em: một số thanh niên hiện nay quên cả tiếng nói và thuần phong mỹ tục của dân tộc mình, thậm chí đàn bà con gái không còn mặc áo "bom-pong" hay "xa-rong", một loại áo truyền thống dân tộc. Nếu phải mặc như vậy, họ cảm thấy xấu hổ. Cũng tương tự như thế, trong ăn uống, họ cũng cảm thấy xấu hổ mỗi khi người anh em dân tộc khác nói: "Anh ăn prôhốc", vị họ nghĩ rằng, người ấy nói họ ăn đồ "dơ dáy bẩn thỉu". Thật là có lý khi ai đó cho rằng: "hình dáng, hương vị của những món ăn dân tộc, gợi cho ta nhớ về cội nguồn, về quê hương xứ sở".

Lối sống biến đổi theo lịch sử và hệ thống dinh dưỡng của các dân tộc khác nhau được quy định, không chỉ bởi các điều kiện địa lý, truyền thống của dân tộc mà về mặt xã hội. Còn bởi mức độ phát triển sản xuất. Với tinh thần nghị quyết Trung ương khóa 5 về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà văn hóa ẩm thực của người Khmer Sóc Trăng có nhiều điều kiện được bảo tồn và phát triển.

Nghề rèn - sự “tài hoa và khéo léo” của người Mông ở Yên Bái

Cũng như cộng đồng các cư dân nông nghiệp khác, đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái cũng có nhiều nghề truyền thống mang nét văn hóa độc đáo đặc trưng cho dân tộc như nghề chế tác nhạc cụ (khèn bè, khèn môi), nghề nhuộm chàm, thêu dệt thổ cẩm, nghề đan lát các dụng cụ sinh hoạt và nghề rèn đúc nông cụ. Trong đó, nghề rèn nhằm tạo ra các công cụ sản xuất, công cụ lao động của dân tộc Mông đã được rất nhiều người biết đến với những sản phẩm như con dao, chiếc xẻng, lưỡi cày hay chiếc cuốc.


Công việc đầu tiên của người thợ rèn là chuẩn bị than đốt và đắp lò. Lò được đắp bằng đất, mặt lò võng xuống để có thể cho than vào. Than để đốt không phải là than đá mà được đốt bằng than của một loại gỗ ở rừng.

Làm rèn phải theo một quy trình và cần có hai người, một người kéo bơm gió (tiếng mông là pu) để than trong lò cháy đều cung cấp nhiệt cho quá trình rèn và một người rèn.

Khi rèn, người ta cho sắt vào nung đỏ, đưa ra để lên đe dùng búa đập, sắt nguội lại cho vào lò nung, cứ như vậy đến khi tạo ra được sản phẩm vừa ý. Sau khi tạo xong dáng của sản phẩm thì tiến hành tôi sắt. Trong khâu tôi sắt của người Mông có một “bí quyết” riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu sắt để đưa vào tôi. Người Mông có nhiều cách tôi sắt khác nhau, có loại sắt thì tôi bằng nước có bỏ một lượng muối vừa phải; có loại thì tôi bằng thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt. Người Mông cho rằng, phải biết cách xem loại sắt để chọn cách tôi, như thế thì dao mới sắc và bền.

Sau khi tôi xong là đến giai đoạn mài dao. Trước đây, người Mông thường mài dao bằng đá suối nhưng ngày nay với sự tiến bộ, ngoài việc sử dụng đá suối thì người Mông đã mua máy mài để sử dụng. Dao, cuốc và cày của người Mông làm ra được coi như một công cụ quý vì nó đạt tới độ bền cao lại rất sắc.

Từ xưa người Mông vẫn nổi tiếng với kỹ thuật cày trên đất dốc. Lưỡi cày hay lưỡi cuốc được người Mông tự đúc bằng kỹ thuật thủ công, chất lượng đạt tới độ tuyệt hảo bởi khi tôi lưỡi cày và cuốc được tăng rất nhiều thành phần thép. Do vậy lưỡi cày, cuốc của người Mông làm ra vừa cứng vừa dẻo đảm bảo lật đất tốt, xén đứt hết rễ cây, gốc cỏ mà không bị gãy. Thực tế cho thấy, tầng đất mặt của ruộng bậc thang khi mới khai phá sỏi đá còn nhiều, gốc cây chưa đứt hết, mặt ruộng mấp mô thì chỉ loại lưỡi cày này mới khắc phục được những khó khăn trong việc canh tác.

Nghề rèn truyền thống của người Mông đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của đôi bàn tay con người. Cao hơn nữa là sự kiên trì và sáng tạo của người thợ rèn để có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Mông.

Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện phát triển, nhiều sản phẩm do công nghiệp sản xuất giá rất rẻ nên nghề rèn truyền thống của người Mông ở Yên Bái hiện nay đã và đang dần bị mai một. Lò rèn thủ công của các gia đình người Mông nay đã không còn được đưa vào sử dụng. Nhiều bản Mông ở Yên Bái trước đây nhà nào cũng có lò rèn nhưng giờ chỉ còn vài nhà sử dụng. Khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống của người Mông là một việc làm hết sức cấp bách đang đặt ra, bởi nó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo riêng của dân tộc. Và đó cũng chính là trăn trở và mong ước của những người muốn “giữ lửa” cho nghề rèn truyền thống của dân tộc hôm nay.

Ấm nồng làn điệu dân ca Cor

Từ lâu, các làn điệu dân ca đã đóng một phần quan trọng trong đời sống của bà con dân tộc Cor nói chung và người Cor ở huyện miền núi Trà My, tỉnh Quảng Nam nói riêng.


Clu là một điệu dân ca của người Cor có từ lâu đời. Trong lễ hội truyền thống như: Lễ ăn mừng lúa mới (Xa-pa-nưu), Lễ ăn mừng nhà mới (Xa-như-ra-vát), Lễ hội ăn trâu huê (Xa-ố-piêu), Tết mùa (Xa-a-ní)... không thể thiếu làn điệu dân ca vào loại độc đáo này với lối diễn xướng vừa hát Clu vừa cúng. Clu còn được người Cor sử dụng trong các dịp cúng trâu, heo, cúng gà để cầu đất, cầu trời phù hộ mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình khoẻ mạnh, dân làng đoàn kết...

Theo truyền thống, Clu chỉ được người Cor sử dụng trong nghi thức cúng tế là chính. Làn điệu Clu mang dáng dấp của một bài văn tế thể hiện tấm lòng thành của gia đình đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ - những người đã khuất.

Nội dung Clu, ngoài ý nghĩa mời gọi tổ tiên, ông bà, cha mẹ, ma tốt về chứng giám cho lòng thành của con cháu, còn thể hiện sự cầu khẩn thần linh hoặc người đã khuất bỏ qua nhưng sai sót, lỗi lầm của người còn sống, phù hộ cho cá nhân, gia đình, cộng đồng được khoẻ mạnh, an lành trong cuộc sống.

Trong lễ hội đâm trâu, từ khi người Cor bắt đầu nấu rượu làm bánh, người ta đem trâu vào cột ở cây nêu để chuẩn bị cho lễ đâm trâu và cả trong lúc đâm trâu thì một nhóm già làng từ hai đến sáu người vẫn hát Clu. Có thể nói, Clu là một loại hình hát kể về những câu chuyện, những bài học quý, nhằm giáo dục con người làm những điều thiện và tốt đẹp trong cuộc sống.

Người Cor còn có hình thức hát đối đáp gọi là A giới, gần giống như hát hò khoan của người Kinh, giống hát lý của người Cơtu. Đây là loại hình hát ứng đáp tại chỗ với nội dung thường là động viên nhau trong lao động và sản xuất, dạm hỏi vợ chồng, thông gia hát đối đáp với nhau để thăm hỏi sức khoẻ, công việc đồng áng nương rẫy... Thường chỉ có nam giới tham gia hát A giới, đôi khi cuộc hát đối đáp kéo dài cả đêm tới tận gà gáy mới kết thúc. Người hát phải ứng khẩu, diễn đạt tốt những lời hay ý đẹp.

Nếu như làn điệu Clu được sử dụng trong các lễ cúng thì làn điệu Xadru được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Cả nam và nữ đều có thể hát Xadru trong dịp làng tổ chức lễ hội truyền thống, họ cùng hát chung cả nóc với phần đệm của các nhạc cụ truyền thống.

Khác với A giới, hát A ly là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ với nhau. Thường nội dung hát A ly đề cập đến tình yêu đôi lứa nam nữ.

Trong các dịp lễ hội truyền thống, bà con người Cor hát những làn điệu dân ca của dân tộc mình giữa không gian bao la của núi rừng đại ngàn. Những làn điệu dân ca thân thiết ấy thấm vào họ như máu thịt tự thuở nào. Cho đến hôm nay, những âm hưởng đó vẫn được đồng bào Cor bảo tồn, gìn giữ gần như nguyên vẹn. Đây cũng là nét văn hoá đặc sắc của người Cor huyện miền núi Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Bánh gio, món ngon của người Sán Chay (Thái Nguyên)


Cộng đồng dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên gồm hai nhóm địa phương: Cao Lan và Sán Chí, người Sán Chay có mặt ở 149/180 xã phường của tỉnh. Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác ở Thái Nguyên, người Sán Chay có đời sống vật chất, tinh thần phong phú đặc biệt là những món ăn trong các ngày lễ, Tết.


Bánh gio là thứ không thể thiếu vào dịp cúng Tết mùng 5-5 của người Sán Chay. Nguyên liệu để làm bánh là gạo nếp, nước gio và lá chít.

Thứ gạo nếp chọn làm bánh phải là thứ nếp nương, 10 hạt như cả mười. Gạo ấy được những người phụ nữ Sán Chay nhặt hết hạt đen hạt kẹ, đãi sạch rồi đem ngâm vào nước gio cho mềm. Nước gio để ngâm gạo được đốt từ vỏ đỗ, vỏ bưởi, vỏ mít và cây ngô đồng để tạo ra mùi vị đặc biệt. Sau khi ngâm gạo trong nước gio đến độ mềm vừa phải, người ta vớt gạo ra, lấy lá chít gói thành bánh rồi đem luộc, để nguội mới ăn được.

Lá chít đem luộc thật kỹ và thay nước nhiều lần cho phai hết chất diệp lục. Mỗi chiếc bánh gio chỉ cần dùng 2 hoặc 3 chiếc lá chít. Gạo nếp đã ngâm nước nắng lên màu hổ phách được vớt lên cho ráo nước. Dùng muôi xúc gạo đó cho vào giữa lá chít đã rửa sạch lau khô, dàn gạo đều và dài ra, gói lại lăn tròn vấn bẻ hai đầu lá kín lại dùng lạt mềm buộc chặt. Mỗi cái bánh gio chỉ dài chừng hơn gang tay đường kính nhỉnh hơn ruột quả chuối tiêu nên chỉ cần luộc ba giờ đồng hồ bánh đã rền. Bánh để nguội bóc cắt ra từng khoanh, nhìn thấu qua trong suốt màu sáp ong đã thấy ngon, đem chấm cùng mật giọt càng hấp dẫn. Ruột bánh trong suốt, không mùi vị, vẫn còn nhìn thấy lơ mơ hình những hạt gạo đã biến hình hài như chưa hoà tan hết vào kiếp khác. Nó là gạo nếp nhưng không phải còn rõ ràng như bánh chưng, mà cũng không là một khối bột chín như ruột bánh xu xê, bánh nếp, bánh giò.

Bóc hết lớp lá chít dẻo dai, đưa lên miệng, mùi bánh nồng nồng, hăng hăng, nhưng khi chấm với mật nếm thử lại thấy ngon lạ lùng, ngọt và dịu mát nơi đầu lưỡi. Mặc dù làm bằng gạo nếp nhưng bánh gio có thể ăn no mà không thấy ngán.

Ngày Tết Đoan ngọ 5 - 5 người Sán Chay dùng bánh gio để cúng ông bà tổ tiên. Bánh được cắt ra từng khoanh cho vào bát riêng lẻ, bên cạnh để chén mật sóng sánh, đặt lên ban thờ mời gọi ông bà về hưởng Tết.

Lễ hội Ariêuping đặc sắc của dân tộc Pa Cô

Lễ hội Ariêuping (lễ nhà mồ) truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô, đã diễn ra từ ngày 29 đến 31/8/2009, tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây là một lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất của đồng bào dân tộc Pa Cô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Nội dung của lễ hội Ariêuping là tổ chức cất bốc những ngôi mộ người thân trong gia đình của tất cả các dòng họ trong làng đã chết trước đó được an táng rải rác các nơi và cải táng quy tập về một khu vực để tiện thăm viếng, chăm sóc, hương khói.

Già làng Hồ Văn Hinh ở thôn Kì Nơi, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, nơi diễn ra lễ hội, cho biết lễ hội Ariêuping thường được tổ chức 10 năm một lần, khoảng tháng 3 đến tháng 4 vì lúc này mùa vụ gieo trỉa (phát cốt) đã xong.

Thời gian diễn ra lễ là 3 ngày với các nghi lễ như tổ chức cất bốc và an táng hài cốt, lễ cúng ma, hội đâm trâu, múa cồng chiêng...

Lễ hội Ariêuping là một lễ hội tín ngưỡng độc đáo của đồng bào dân tộc Pa Cô ở Quảng Trị. Năm nay lễ hội được tổ chức vào tháng 7 âm lịch là do yêu cầu của tỉnh Quảng Trị, với mong muốn phục dựng, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời quảng bá hình ảnh du lịch về phong tục tập quán của người Pa Cô nói riêng và các dân tộc anh em trên địa bàn Quảng Trị nói chung.

Khúc hát ru của người Tày (Bắc Giang)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 30 nghìn người dân tộc Tày sinh sống chủ yếu ở huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế và Lục Nam. Người Tày có rất nhiều bài hát ru nhẹ nhàng, êm ái thể hiện đời sống văn hoá, tinh thần phong phú, trong đó bài Ứ noọng nòn là điển hình.


Bài hát ru Ứ noọng nòn của người Tày mang đặc trưng của thể loại hát ru nói chung, với kết cấu kể chuyện bâng quơ, mẩu chuyện nối, đứt đoạn mà miên man, phù hợp với chức năng ru trẻ ngủ và với lối hát lặp lại nhiều vòng, nhiều đợt. Điểm dừng và cũng là điểm nối của bài hát là lời ru, lời đưa đẩy. Bài hát bắt đầu bằng lời ru như tất cả các làn điệu ru khác, sau đó là những câu dỗ dành: Ứ noọng nòn/Nòn đắc noọng nòn đí/Nòn tắng pí au qua/Nòn tắng a au luổm/Luổm lầu đảy sloong boóc/Nốc choóc đảy sloong tua (Ư em ngủ/ Ngủ say em ngủ ngoan/Ngủ đợi chị lấy dưa/Ngủ đợi cô bắt muỗm/Muỗm to được hai ống/Chim sẻ được hai con). Các câu trên có vẻ thống nhất về chủ đề dù kể chuyện miên man nhưng các câu sau thì chuyển hẳn sang mạch khác một cách tự nhiên với sự kết nối chặt chẽ: câu trước dùng từ con, các câu sau tiếp tục nhắc lại từ này nhưng lại kể một câu chuyện khác - câu chuyện của một lũ trẻ chứ không liên quan gì tới đối tượng con chim sẻ ở câu trước: Tua nâng pây mí ỏm/Tua nâng gây nhọm mây/Tua nâng pây đăng phầy thả mẻ/Tua nâng là quạnh quẻ dú đai/Tua nâng pây au vài mà lảng/Tua nâng oóc pác táng slon slư/Tua nâng pây vây ứ... (Một con đi giặt tã /Một con đi nhuộm chỉ/Một con đi nhóm bếp đợi mẹ/Một con chơi chẳng làm gì/Một con đi lùa trâu về chuồng/Một con đi đưa nôi). Bài hát dắt trẻ vào giấc ngủ, trẻ nhỏ thiếp đi trong giọng điệu du dương, đều đều; trẻ lớn biết nghe thiếp đi trong sự dắt dẫn của những hình ảnh chắp nối nhưng đa dạng, lãng mạn của lời ru. Những câu hát nhẹ nhàng, êm ái, lắng đọng, tưởng như kể chuyện bâng quơ ấy lại hàm chứa một cách tự nhiên đời sống văn hóa sinh hoạt của người Tày xưa. Cuộc sống của người Tày hiện lên, trước hết là mô hình gia đình đông con nhiều cháu. Theo sự liệt kê trong bài có đến 8 "con" làm các công việc khác nhau: con giặt tã, con nhuộm chỉ, con nhóm bếp, con chơi, con chăn trâu, con học bài, con đưa nôi, còn một con nằm trong nôi.

Bài hát ru chỉ là khúc ca ngắn nhưng thể hiện sinh động công việc của người Tày từ xa xưa như: làm nương rẫy, trồng cây dưa xen cây lúa, se sợi kéo chỉ, nhuộm chàm, chăn nuôi gia súc... Hình ảnh con người trong bài hát là con người lao động và bài hát ru ở đây cũng là khúc hát ca ngợi người lao động.

Đặc sắc lễ hội Xên bản Mường Sang (Sơn La)

Lễ hội Xên bản là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Du lịch, Thể thao Mộc Châu diễn ra từ ngày 28/8 đến 02/09/2009. Được tổ chức bên thác Dải Yếm (Mường Sang - Sơn La), đây là một trong những lễ hội độc đáo, điển hình của người Thái trắng.


Lễ hội tổ chức để cúng lễ tạ ơn những người có công lập bản, cầu các vị thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

Với nhiều hoạt động văn hóa phong phú, lễ hội Xên bản là một vốn quý trong trong đời sống văn hóa, xã hội không chỉ với cộng đồng người Thái trắng mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa các dân tộc vùng cao. Lễ hội này cũng như nhiều lễ hội đặc sắc của các dân tộc anh em khác ở vùng cao đã và sẽ là nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Cúng mời thần linh là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội.

Rước thần linh (người Thái trắng gọi là ma bản) đến nơi hành lễ.

Trâu dùng để tế phải do thầy mo lựa chọn.

Thầy mo đang kể sự tích lễ hội Xên bản.

Bà Một bắt đầu làm lễ cúng.

Sau lễ cúng, trưởng bản được thầy mo buộc một sợi chỉ vào cổ tay. Theo quan niệm của người Thái, sợi chỉ này "nối" người dương với thế giới âm.

Những cô gái Thái thướt tha trong điệu múa Hoa ban .

Trong lễ hội của người Thái không thể thiếu vũ điệu Khăn Piêu.

Lấy lửa bằng phương pháp cổ truyền mở đầu cho cuộc thi nấu ăn.

Khi lửa đã bén phải thổi bùi nhùi thật khéo mới có được lửa nhanh nhất.

Việc giã gạo được phân công cho nữ giới.

Bày biện cỗ là một phần rất quan trọng của cuộc thi.

Có nhiều trò chơi trong lễ hội, thi bắn nỏ thu hút nhiều trai tráng.

Lễ hội được tổ chức bên con thác Dải Yếm - một thắng cảnh đẹp của huyện Mộc Châu.